Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đón chào thành viên thứ 161 WTO tiếp tục hạ dự đoán tăng trưởng thương mại thế giới |
“Bất chấp căng thẳng địa chính trị, thương mại hàng hóa thế giới vẫn tiếp tục tăng trưởng 2,7% vào năm 2024 và vào năm 2025 chúng tôi dự kiến sẽ tăng 3%”, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ralph Ossa nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Neue Zürcher Zeitung.
Theo nhà kinh tế học, dựa trên những số liệu này không thể nói về xu hướng phi toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới.
![]() |
Thương mại thế giới tiếp tục tăng trưởng. Ảnh: Pixabay |
“Thương mại đang tăng trưởng với tốc độ tương đương với tổng sản phẩm quốc nội”, ông Ossa nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, mảng màu sáng nhất trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2024 là mức tăng trưởng nhanh của hoạt động giao dịch thương mại quốc tế.
Bloomberg và Liên Hợp Quốc ước tính, thương mại toàn cầu sẽ cán mốc kỷ lục 33.000 tỷ USD, tăng 1.000 tỷ USD so với năm 2023 và là mức cao nhất mọi thời đại.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế thế giới dự kiến đạt mức tăng trưởng 3,2% trong năm 2024. Con số này tương tự mức tăng trưởng của năm ngoái.
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng vững vàng này đạt được trong bối cảnh lạm phát toàn cầu giảm tốc nhanh. Với sự hỗ trợ từ lập trường chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, lạm phát toàn phần tiếp hiện đã lùi về mức mục tiêu ở gần một nửa các nền kinh tế phát triển và gần 60% các nền kinh tế mới nổi.
Ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF cho biết: “Cuộc chiến chống lạm phát gần như đã thắng lợi. Sau khi đạt đỉnh ở mức 9,4% theo năm vào quý III/2022, hiện chúng tôi dự báo lạm phát tiêu đề sẽ giảm xuống còn 3,5% vào cuối năm 2025. Ở hầu hết các quốc gia, lạm phát đang dao động gần với mục tiêu của ngân hàng trung ương. Hiện lạm phát đã giảm trong khi nền kinh tế toàn cầu vẫn phục hồi. Tăng trưởng dự kiến sẽ giữ ổn định ở mức 3,2% trong năm 2024 và 2025”.
Mặc dù vậy, kinh tế thế giới năm 2024 cũng chứng kiến triển vọng tăng trưởng khá chênh lệch giữa các khu vực và các nền kinh tế. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Mỹ, nền kinh tế số một thế giới, dự kiến đạt mức tăng trưởng 2,8% nhờ động lực chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ.