Tháo gỡ điểm nghẽn cho phát triển công nghiệp công nghệ số

07:12 | 25/11/2024 In bài biết
Theo đại biểu Quốc hội, để phát triển công nghiệp công nghệ số cần tháo gỡ 4 điểm nghẽn: Nhân lực; hạ tầng công nghệ; dữ liệu; phần mềm, AI...
Công nghiệp công nghệ số: Phải có chính sách bứt phá, nổi trội Cần đưa quy định phát triển công nghiệp bán dẫn vào Luật Công nghiệp công nghệ số Thảo luận về quản lý đầu tư, Thủ tướng nêu loạt vướng mắc và giải pháp từ doanh nghiệp ngành Công Thương

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số hiện đang được trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến. Dự thảo Luật được xây dựng với kỳ vọng tạo ra các cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục thuận lợi nhất nhằm tạo điều kiện cho ngành công nghiệp công nghệ số phát triển nhanh và bền vững, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Hiện công nghệ số đang trở thành xu thế mới và ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước. Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ thay thế các nội dung về công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ thông tin và bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn phát triển.

Nhân lực là điểm nghẽ cho phát triển công nghiệp công nghệ số

Phát triển công nghiệp công nghệ số
Đại biểu Vũ Hải Quân - Đoàn TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hường

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Vũ Hải Quân - Đoàn TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, cần đánh giá trong 20 - 30 năm qua, ngành công nghiệp công nghệ thông tin đã đạt được những kết quả gì, đâu là những tồn tại, hạn chế, khó khăn, đâu là rào cản và đối chiếu vào Luật Công nghệ thông tin để rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác lập pháp, hoạch định chính sách.

Đại biểu Vũ Hải Quân cho rằng, để phát triển công nghiệp công nghệ số cần quan tâm 4 vấn đề: Nhân lực; hạ tầng; dữ liệu; phần mềm, trí tuệ nhân tạo và các chính sách đi kèm.

Theo đó, đại biểu cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay chính là nhân lực trình độ cao và trình độ rất cao. Bởi, ngành công nghiệp công nghệ thông tin hay ngành công nghiệp công nghệ số nhân lực đóng vai trò chủ đạo.

Đại biểu lấy dẫn chứng, Google vừa rồi phải bỏ ra là 2,7 tỷ USD để mua lại một cá nhân đã từng gắn bó với Google rồi sau đó đi ra ngoài làm.

“Như vậy, rõ ràng giao dịch này về mặt hình thức nào đó thì trí tuệ là một tài sản và có giá trị rất lớn, nếu chúng ta xác định được điểm nghẽn lớn nhất của ngành công nghiệp công nghệ số là nhân lực”- đại biểu Quân khẳng định.

Về hạ tầng, ông cho rằng, hạ tầng phải là đầu tư các siêu máy tính, máy chủ để có thể lưu giữ được dữ liệu lớn, tuy nhiên với cơ chế như hiện nay, đại biểu mong luật phải có một giải pháp để có những hạ tầng đồng bộ.

Đại biểu Vũ Hải Quân nhấn mạnh, cần có cách tiếp cận xuất phát từ thực tiễn để xây dựng dự thảo Luật có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và quan trọng nhất là phải đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp công nghệ số đang đặt ra.

"Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật có thể trùng lắp, giao thoa với một số Luật liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giao dịch điện tử”, đại biểu nhấn mạnh và cho rằng cần chỉ ra được những điểm nghẽn trong phát triển công nghiệp công nghệ số để từ đó đề xuất được những điều khoản, chính sách hết sức cụ thể trong dự thảo Luật nhằm phát triển lĩnh vực này.

Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Đại biểu bàn phân cấp, phân quyền
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hường

Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn TP. Hồ Chí Minh, Luật Công nghiệp công nghệ số cần phải đưa hàm lượng về chính sách phát triển vừa bền vững, vừa tăng tốc ngành công nghệ số.

Theo đại biểu, để phát triển công nghiệp, công nghệ số, nguồn nhân lực rất quan trọng, tiếp theo là hạ tầng cho phát triển công nghệ số, trong đó có hạ tầng dữ liệu, hạ tầng về công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin.

Riêng về hạ tầng dữ liệu, đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý, trong luật phải làm rõ dữ liệu nào là dữ liệu bí mật quốc gia, dữ liệu nào là dữ liệu không được kinh doanh và phải hết sức chi tiết.

“Dữ liệu số là một tài sản quý báu và chúng ta cần phải được chia sẻ, nhưng những gì thuộc về bí mật quốc gia là phải cấm tuyệt đối, những vấn đề đó chúng ta phải có những quy định hết sức chặt chẽ và chi tiết”- đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Quản chặt AI

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Đoàn Kiên Giang - khẳng định, dự thảo Luật đã đưa ra quy định rất hợp lý, chúng ta không thể thấy "khó mà cấm". Trên cơ sở quy định tại Luật này, Chính phủ mới có thể xây dựng văn bản quy định chi tiết điều chỉnh với các hoạt động giao dịch tiền ảo, tài sản ảo trên không gian mạng.

"Về trí tuệ nhân tạo, dù không có chính sách khuyến khích phát triển, nhưng mạng facebook và nhiều mạng xã hội khác đã phát triển như vũ bão trong thời gian qua, vì tạo ra giao lưu thực tế. Trí tuệ nhân tạo cũng sẽ như vậy. Trong bối cảnh này, tôi tán thành với việc dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng đưa ra quy định để quản lý, không đưa ra quy định thúc đẩy trí tuệ nhân tạo phát triển", đại biểu Nguyễn Phương Tuấn nhấn mạnh.

Phát triển công nghiệp công nghệ số
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn – Đoàn Kiên Giang. Ảnh: Minh Trang

Trên thế giới hiện cũng đang có 2 cách tiếp cận với trí tuệ nhân tạo, đó là cách tiếp cận theo hướng quản lý rủi ro và dựa trên quyền của nhà quản lý.

Ban soạn thảo đang thiết kế quy định về trí tuệ nhân tạo theo hướng quản lý rủi ro, mức độ rủi ro lớn đến đâu sẽ quản lý cao đến đấy, tương tự như cách thức thiết kế quy định về nội dung này của Liên minh châu Âu.

Cùng với đó, Ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật quy định về khung đạo đức trong sử dụng, ứng xử với trí tuệ nhân tạo. Bởi, trí tuệ nhân tạo có thể giúp kích cầu, thúc đẩy kinh tế phát triển, nhưng nếu rơi vào tay của người có dụng ý xấu sẽ vô cùng nguy hiểm.

Thu Hường

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/thao-go-diem-nghen-cho-phat-trien-cong-nghiep-cong-nghe-so-360657.html