Nắm bắt cơ hội từ làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam

11:32 | 03/04/2024 In bài biết
Đang có một làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam, tuy nhiên làm thế nào để nắm bắt được cơ hội này lại là vấn đề cần được quan tâm.
Làn sóng đầu tư mới của kiều bào Thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam Công nghiệp hỗ trợ - đón “làn sóng” chuyển dịch đầu tư mới

Làn sóng dịch chuyển sản xuất do căng thẳng thương mại

Chia sẻ tại Hội nghị Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024 diễn ra mới đây, ông Lương Dương Hồng – Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Trung Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Thương mại điện tử Quốc tế Trung Việt Trung (Bắc Ninh – Việt Nam) cho biết: Do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, khiến làn sóng dịch chuyển sản xuất của các tập đoàn lớn ra khỏi Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ hơn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn cũng dịch chuyển theo, và Việt Nam chính là một điểm đến, một sự lựa chọn tốt.

Đón đầu làn sóng đầu tư vào Việt Nam, ông Lương Dương Hồng đã đầu tư một cụm công nghiệp ở Bắc Ninh, tiến tới phát triển mở rộng ra lĩnh vực điện tử.

Nắm bắt cơ hội từ làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam
Tăng cường hỗ trợ các dự án phát triển và ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh

Trong khi đó, ông Kenneth Peng - Giám đốc kinh doanh dự án Trung Quốc của Midea Việt Nam tin tưởng: Giống như Trung Quốc, Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và trở thành một quốc gia đáp ứng được yêu cầu về chuỗi nhà máy thông minh. Hiện tại, Midea có 7 nhà máy ở nước ngoài, cung cấp tất cả sản phẩm về hàng tiêu dùng điện tử. Trong số đó, có nhà máy sản xuất robot hút bụi ở Bình Dương.

Chia sẻ với phóng viên, ông Châu Hoành – Đại diện Công ty TNHH Tư vấn DH Việt Nam – một doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực tư vấn cho các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư chia sẻ: Hoạt động tại Việt Nam từ năm 2017 và hiện đã tư vấn thành công cho hơn 100 doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam thuê đất tại các khu công nghiệp mở nhà máy sản xuất kinh doanh.

Theo dự báo của ông Châu Hoành, đầu tư của Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử, máy móc, khách sạn nhà hàng và chăm sóc sức khoẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Liu Yang Wang – Tổng giám đốc Công ty TNHH Solex Hight-Tech Industries Việt Nam cho biết: Doanh nghiệp này đã tiến hành khảo sát tại nhiều quốc gia tại thị trường Đông Nam Á, nhưng sau đó lại quyết định chọn tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) để đầu tư nhà máy sản xuất. Nhận định về xu hướng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Liu Yang Wang cho biết: “Tôi là doanh nghiệp của tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), và rất nhiều doanh nghiệp uy tín hàng đầu của tỉnh Phúc Kiến đều đã có cơ sở sản xuất tại Việt Nam”. Đặc biệt, ông Liu Yang Wang chia sẻ: Vẫn đang có rất nhiều doanh nghiệp tỉnh Phúc Kiến muốn chuyển sang Việt Nam để đầu tư trong thời gian tới.

Cùng nhận định, ông Trương Thiệu Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiết bị hiển thị Tomko (Trung Quốc) đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Đông, cho biết hiện doanh nghiệp đang đầu tư một nhà máy lắp ráp linh kiện tại Việt Nam, đồng thời đang nghiên cứu đầu tư vào một số lĩnh vực logistics, chăm sóc sức khoẻ.

Điểm thuận lợi khi đầu tư vào thị trường Việt Nam được các nhà đầu tư Trung Quốc nhận định đó là: Chính trị ổn định, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện.

Nắm bắt cơ hội từ làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam
Hoàn thiện chuỗi sản xuất sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối ưu làn sóng đầu tư từ Trung Quốc (Ảnh minh họa)

Hoàn thiện chuỗi sản xuất bằng cách nào?

Ông Trương Thiệu Cường cũng nhìn nhận, chuỗi sản xuất của Việt Nam hiện nay chưa thực sự hoàn thiện. Ví dụ, tai nghe Apple sản xuất ở Trung Quốc có hệ sinh thái theo chuỗi hỗ trợ từ thiết kế, nguyên vật liệu, làm khuôn và sản xuất… Từ khi có ý tưởng ban đầu đến khi ra sản phẩm rất nhanh, chớp được cơ hội thị trường, đẩy nhanh tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường nên giá trị của sản phẩm lớn hơn. Trong khi đó, Việt Nam dựa vào nhập khẩu nguyên vật liệu nhiều nên giá thành đội lên rất cao so với Trung Quốc.

Để hoàn thiện chuỗi cung ứng ở Việt Nam, ông Trương Thiệu Cường cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên có nhiều chính sách để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào cùng hoàn thiện chuỗi cung ứng đó. Bên cạnh đó, bồi dưỡng nhân tài để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Hiện, công ty của ông rất khó khăn tìm được đủ nguồn nhân lực có đào tạo, điều này cũng ảnh hưởng đến việc hoàn thiện chuỗi cung ứng.

Ông Châu Hoành cũng thẳng thắn nêu quan điểm, việc chưa hoàn thiện chuỗi sản xuất khiến Việt Nam mất đi khá nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi nếu chuỗi sản xuất đã hoàn thiện, nhà đầu tư đến Việt Nam họ sẽ sử dụng linh phụ kiện của các doanh nghiệp trong nước sản xuất, còn nếu chuỗi sản xuất chưa hoàn thiện, họ sẽ phải nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ nước ngoài, không chỉ gia tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp mà còn không kích thích được sản xuất trong nước phát triển.

Không chỉ doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước cũng cho biết họ gặp nhiều thách thức khi gia nhập được chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu. Trong khi đó, nhiều tập đoàn đầu tư tại Việt Nam thì lại cho biết, khó tìm được đối tác trong nước đáp ứng đủ yêu cầu. Theo đó, để hoàn thiện chuỗi cung ứng, thì vấn đề quan trọng là cung – cầu phải gặp nhau, các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ trong nước phải hợp tác được với doanh nghiệp nước ngoài. Để làm được điều đó, ông Lưu Văn Đại - Giám đốc công ty Cổ phần Metal Heat Việt Nam cho rằng: Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách về việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, chính sách hay nhưng con đường tiếp cận rất khó, rất nhiều rào cản. Để có được sự hỗ trợ vốn này thì doanh nghiệp phải dành rất nhiều thời gian để theo đuổi, ảnh hưởng tới cơ hội. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp rất cần thiết. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Lưu Văn Đại đề nghị, nhà nước nghiên cứu thực hiện chính sách ưu đãi hơn nữa đối với các doanh nghiệp cơ khí như: Miễn giảm thuế, miễn giảm lãi suất vay vốn và đơn giản hóa thủ tục vay vốn từ các quỹ hỗ trợ của nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh để tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Nguyễn Hòa

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/nam-bat-co-hoi-tu-lan-song-dau-tu-cua-doanh-nghiep-trung-quoc-vao-viet-nam-312510.html