Triển khai Nghị định số 15/2018/NĐ-CP: Cần chấm dứt tình trạng yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ ngoài quy định

16:57 | 22/03/2024 In bài biết
Chấm dứt tình trạng yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ ngoài quy định là một trong những đề xuất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Hà Nội phát hiện 10.240 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm VitaDairy Việt Nam xuất sắc lọt Top đầu công ty uy tín ngành thực phẩm đồ uống năm 2021 Ngành thực phẩm Việt Nam thu hút nhà đầu tư Nhật Bản

Sáng nay 22/3, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo 5 năm triển khai Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm. Bên cạnh việc đánh giá thực hiện Nghị định, Hội thảo cũng chỉ ra những vướng mắc trong việc triển khai và đề xuất các giải pháp...

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương đã kiến nghị từng bước tháo bỏ những bất cập trong quản lý về an toàn thực phẩm. Trên cơ sở đó, ngày 2/2/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP) thay thế Nghị định số 38.

Nghị định số 15 được đánh giá là cải cách thể chế đột phá, thể hiện thay đổi căn bản trong tư duy về quản lý nhà nước, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tính đến nay, Nghị định 15 đã triển khai và đi vào cuộc sống được 5 năm.

Vì vậy, việc đánh giá tác động có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xây dựng và tổ chức thực thi chính sách về quản lý an toàn thực phẩm cũng như chính sách về quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành khác.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban, Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trong 5 năm triển khai Nghị định 15 cho thấy ngành thực phẩm đã có sự tăng trưởng cao, đóng góp cho nền kinh tế nước nhà.

Triển khai Nghị định số 15/2018/NĐ-CP: Cần chấm dứt tình trạng yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ ngoài quy định
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban, Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: BTC

Dù vậy, Nghị định vẫn còn đó một số khó khăn, bất cập trong việc thực hiện. Có thể kể đến việc cơ quan hải quan phản ánh thiếu tiêu chí xác định lượng mẫu như thế nào là phù hợp đối với trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm.

Đáng chú ý, tại một số cơ quan địa phương vẫn có hiện tượng cán bộ yêu cầu doanh nghiệp bổ sung giấy tờ nhiều lần; thậm chí có những yêu cầu nằm ngoài quy định.

Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp có sự thay đổi khác (thay đổi về cơ sở sản xuất, không phải thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo), nhưng cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm vẫn yêu cầu doanh nghiệp nộp hồ sơ công bố mới thay vì thông báo bằng văn bản.

Ngoài ra, Nghị định 15 đã có quy định đăng ký phụ gia mới hay có công dụng mới (nguyên liệu), nhưng lại chưa có quy định đăng ký các thực phẩm nhập khẩu có chứa phụ gia mới...

Vì vậy, phía Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng có một số đề xuất, kiến nghị trong khuôn khổ Hội thảo.

Theo đó, cần duy trì và phát huy những cải cách của Nghị định số 15; nghiên cứu áp dụng nhân rộng cách tiếp cận quản lý này sang các lĩnh vực quản lý nhà nước khác.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước phải chú trọng hoạt động hậu kiểm. Đồng thời, giám sát và nâng cao trách nhiệm của cán bộ trong hoạt động thực thi; đảm bảo thực hiện nghiêm túc trên tinh thần hợp tác và hỗ trợ doanh nghiệp. Chấm dứt tình trạng yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ ngoài quy định hoặc đưa ra yêu cầu chung chung, thiếu rõ ràng.

Ngoài ra, đẩy mạnh áp dụng thủ tục hành chính điện tử; xây dựng các quy định thực hành sản xuất tốt cho thực phẩm.

Đảm bảo việc ban hành văn bản pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về an toàn thực phẩm phải có báo cáo đánh giá tác động cụ thể, dựa trên luận chứng khoa học và thực tiễn; đồng thời thực hiện tham vấn công khai, minh bạch.

Đặc biệt, đảm bảo tính ổn định của chính sách; không đề xuất hay ban hành mới các quy định tạo thêm gánh nặng chi phí kinh doanh, chi phí tuân thủ pháp luật không cần thiết cho doanh nghiệp và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể của Nghị định 15.

Thanh Thúy

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/trien-khai-nghi-dinh-so-152018nd-cp-can-cham-dut-tinh-trang-yeu-cau-doanh-nghiep-bo-sung-ho-so-ngoai-quy-dinh-310251.html