Rủi ro nào đe dọa sự phục hồi của thị trường hàng không Việt?

07:43 | 26/01/2024 In bài biết
Dù có nhiều triển vọng và được dự báo sẽ hồi phục hoàn toàn vào cuối năm nay song thị trường hàng không Việt Nam có thể vẫn sẽ đối mặt nhiều thách thức, rủi ro.
Thực hiện cơ chế linh hoạt cho giá vé máy bay dịp cuối năm Tân Sơn Nhất có gần 900 chuyến bay mỗi ngày phục vụ dịp Tết nguyên đán Hàng không tìm cách chống ùn tắc khi khách bay đêm tăng đột biến dịp Tết

Báo cáo mới nhất về tình hình thị trường hàng không của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy dù có nhiều triển vọng tích cực và được dự báo sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối năm nay nhưng thị trường hàng không Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro hiện hữu.

Theo đó, những thách thức có thể kể đến gồm khả năng còn bỏ ngỏ và những yếu tố tiêu cực tác động đến tăng trưởng, phát triển kinh tế trong nước và quốc tế (nguy cơ về lạm phát và tỷ giá tiếp tục gia tăng, nhiều quốc gia duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, mức lãi suất chưa giảm theo thực tế...).

Hàng không Việt Nam sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối 2024. Ảnh minh họa
Hàng không Việt Nam dự báo hoàn toàn hồi phục vào cuối 2024. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, diễn biến bất lợi của giá nhiên liệu cũng có thể mang đến những thách thức cho thị trường hàng không Việt Nam. Theo giới phân tích, biến động khó lường của giá nhiên liệu có thể tạo ra áp lực tài chính lớn đối với các hãng hàng không và đây là một trong những vấn đề quan trọng cần được lưu tâm trong bối cảnh thị trường đang ấm dần.

Mặt khác, giao tranh quân sự đang tiếp tục diễn ra ở một số quốc gia và khu vực cũng sẽ mang đến nhiều thách thức. Đặc biệt, tình hình xung đột Nga-Ukraine, chiến sự Israel -Hamas... tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kết thúc... khiến ngành hàng không chịu tác động tiêu cực liên quan đến lịch trình và an toàn của chuyến bay.

Ngoài ra, nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành hàng không cũng là một thách thức lớn. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng vận hành và dịch vụ, đặt ra yêu cầu cao đối với việc đảm bảo có đủ nhân sự chất lượng để duy trì một mức độ an toàn, hiệu quả.

Cuối cùng là tình hình tình hình triệu hồi, bảo dưỡng động cơ máy bay của nhà sản xuất Pratt&Whitney ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực khai thác của các hãng hàng không.

Trong bối cảnh đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, theo dõi sát sao tình hình, dự báo nhu cầu thị trường, phối hợp với các hãng hàng không, các đơn vị trong ngành để có những giải pháp kịp thời, phù hợp. Đồng thời tiếp tục kiến nghị Chính phủ giảm một số loại thuế phí cho đến hết năm 2024, chính sách hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp trong ngành hàng không. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam trong việc đảm bảo lực lượng vận tải và tăng năng lực khai thác.

Cơ quan này cũng sẽ làm việc với các nhà chức trách hàng không của các quốc gia để tăng tải cung ứng, hỗ trợ hoạt động khai thác ở các sân bay mà các hãng hàng không Việt Nam bay đến. Hỗ trợ các Hãng hàng không trong việc tăng cường lực lượng vận tải, bổ sung đội máy bay để đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển.

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, nhu cầu vận chuyển hành khách năm nay dự kiến hơn 84 triệu, tăng 15% so với năm 2023 và 6% so với năm 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19. Trong đó, khách nội địa dự kiến tăng trên 3%, đạt khoảng 41,5 triệu; khách quốc tế gần 43 triệu, tăng 16% so với năm ngoái. Năm nay, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến vận chuyển 61 triệu hành khách, tăng hơn 9% so với năm 2023.

"Thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi vào cuối năm nay khi đón nhận những tín hiệu tích cực, như tăng khả năng khai thác đường bay nội địa, quốc tế nhờ chính sách phát triển du lịch của các địa phương, quốc gia trên thế giới", theo Cục Hàng không Việt Nam.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không toàn cầu sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024. Trong đó, thị trường châu Á-Thái Bình Dương, khu vực phục hồi chậm nhất, có thể ngắt mạch lỗ và đạt lợi nhuận khoảng 1,1 tỷ USD trong năm 2024.

IATA cũng dự tính các hãng hàng không toàn cầu sẽ đạt doanh thu kỷ lục với 964 tỷ USD. Trong đó, doanh thu từ vận chuyển hành khách khoảng 717 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023.

Minh An

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/rui-ro-nao-de-doa-su-phuc-hoi-cua-thi-truong-hang-khong-viet-300305.html