Hà Nội: Chợ dân sinh Phú Đô xây dựng tiền tỉ bị bỏ hoang nhiều năm Hà Nội: Nhiều khu “đất vàng” bỏ hoang cả thập kỷ, chậm triển khai |
Những công trình bị bỏ hoang ở Hà Nội không chỉ là trụ sở làm việc mà còn cả những khu biệt thự, khu chung cư, khu tái định cư, công viên trải đều trên khắp các quận, huyện của thủ đô.
Dễ nhận thấy nhất là các công trình xây dựng bị bỏ hoang thời gian không phải tính bằng tháng mà cả hàng chục năm. Các công trình này đều tọa lạc trên các vị trí không chỉ “đắc địa” về phong thủy mà còn án ngữ tại điểm cực kỳ thuận lợi cho giao thông và điều đó tự minh chứng rằng chúng không hề bị cản trở hoặc khó khăn trong triển khai thi công.
Vì sao những “nốt ruồi xám” này vẫn vắng bóng người ban ngày, tối đen khi thành phố lên đèn trong khi chiểu theo các quy định về quản lý đất đai, nếu dự án quá một năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt sẽ bị thu hồi. Nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được không nhiều và câu chuyện đất "vàng" bị bỏ hoang thỉnh thoảng lại làm "nóng" nghị trường Hội đồng nhân dân thành phố.
Hiện không có con số cụ thể về dự án, công trình dang dở hoặc hoang hoá ở Hà Nội nhưng con số hàng ngàn tỷ đồng từ hàng trăm nghìn mét vuông nằm “đắp chăn, trùm mền” thay vì trở thành nguồn lực thúc đẩy kinh tế Thủ đô lại là điều trăn trở với các nhà quản lý, với công luận.
![]() |
Ảnh minh hoạ. |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo các chuyên gia nhìn nhận, là do trong quá trình rà soát, UBND quận, huyện báo cáo chưa đầy đủ về thông tin, tính pháp lý của dự án; đồng thời, chưa nghiêm túc trong công tác giám sát đầu tư, thiếu chế tài xử phạt chủ đầu tư không hợp tác. Ngoài ra, do thay đổi chính sách đất đai, quy hoạch, chính sách giải phóng mặt bằng...
Một nguyên nhân quan trọng khác nữa là việc chọn sai mặt nhà đầu tư khi “trao gửi” nguồn "vàng" là các diện tích đất. Mục đích thật sự của nhà đầu tư là gì, nhiều trường hợp chỉ có nhà đầu tư biết. Khi “sang tay, đổi chủ” các dự án như một giải pháp cực chẳng đã, việc tìm được nhà đầu tư mới có tiềm lực, có năng lực lai cũng không phải là chuyện dễ dàng. Để rồi tuổi thọ bỏ hoang của công trình lại được cộng thêm nhiều năm nữa trong khi tâm lý nhà đầu tư mới lại nặng phần không thích vướng phải cái “dớp” của nhà đầu tư trước.
Tiền tỷ nằm "đắp chăn" đã đành, thành phố mất mỹ quan đã rõ nhưng Nhà nước không thu được thuế, người dân mất tư liệu sản xuất mà chưa được bồi thường hoặc đã được bồi thường nhưng chưa thỏa đáng hay nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư nhưng cũng không còn quỹ đất để đầu tư mới.
Rõ ràng, để giải bài toán về công trình bị bỏ hoang, tẩy những “nốt ruồi xám” trên diện mạo của Thủ đô không hề dễ dàng, nhưng không phải không làm được.
Nhiều chuyên gia đề xuất cần có những quy định như các nước đã làm và làm thành công, đó là ban hành chính sách đánh thuế để ngăn chặn đầu cơ đất đai, góp phần lành mạnh cho thị trường bất động sản. Làm được điều đó sẽ sử dụng đất có hiệu quả cao, bảo vệ công bằng xã hội.