Từ vụ việc nhà khoa học Đinh Công Hướng nghĩ về thương mại hoá các kết quả nghiên cứu

11:13 | 06/11/2023 In bài biết
Vụ việc PGS.TS Đinh Công Hướng bị người khác tố là vi phạm “liêm chính khoa học” kéo theo không ít rắc rối cho ông song cũng đặt ra nhiều câu hỏi không mới.
Đổi mới quản lý khoa học công nghệ theo hướng tiếp cận liên ngành Petrovietnam: Tối ưu hóa, xác định rõ kế hoạch cho nghiên cứu khoa học

Tuần qua vụ việc liên quan đến PGS. TS Đinh Công Hướng có đơn tố cáo gọi là đã “vi phạm liêm chính khoa học” không chỉ khiến dư luận nghi ngờ về động cơ tố cáo trong khi các quy định về liêm chính khoa học ở Việt Nam hàm chứa nhiều điều không rõ ràng, mơ hồ, thậm chí không đủ hiệu lực để có thể ngăn ngừa việc lạm dụng để hạ bệ các tên tuổi khoa học không thuộc loại “cánh hẩu”.

Nội dung “đơn tố cáo” nhà khoa học Đinh Công Hướng đã “bán” các bài báo và một số kết quả nghiên cứu khoa học. Vụ việc mặc dù hiện chưa có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền song đã khiến “khổ chủ” phải chịu rầy rà và phải xin rút tên khỏi danh sách hội đồng ngành toán của Quỹ Nafosted- Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

Về phía Quỹ Nafosted, cơ quan này đã nêu quan điểm sẽ rất thận trọng trong xử lý, đồng thời lưu ý sẽ phải cẩn thận để không mang tiếng “vùi dập một nhà khoa học tốt mà đất nước cần”.

Liêm chính khoa học có thể được hiểu là cam kết cá nhân (của nhà nghiên cứu) hướng đến các tiêu chuẩn thật thà về kiến thức và trách nhiệm cá nhân hàm chứa các tiêu chuẩn về tính tin cậy và hợp pháp.

Chưa cần soi vào các quy định hiện có của Việt Nam mà chỉ cần soi vào cách hiểu trên đã có thể thấy chuyên gia Đinh Công Hướng không vi phạm cái gọi là liêm chính khoa học bởi sản phẩm nghiên cứu của ông là thứ thiệt, có giá trị và đơn giản là nếu sản phẩm nghiên cứu khoa học của ông không phải chính danh tri thức cùng dấu ấn cá nhân, có giá trị thì làm sao có thể bán được thành tiền. Về điểm này thì hẳn là giới khoa học biết rất rõ.

Thời gian qua việc các hành vi mang tính liêm chính khoa học hầu như ít được cổ vũ trong khi các hành vi phản liêm chính khoa học như ngang nhiên “đạo” văn, sao chép và “đạo" cả công trình nghiên cứu lại được biết đến không phải là ít.

Bởi vậy ranh giới giữa liêm chính và phản liêm chính khoa học thời gian qua ở Việt Nam là hết sức không rõ ràng. Không khó để nhận thấy cho đến nay Việt Nam chưa xây dựng được một bộ quy chế với những quy định cụ thể về liêm chính học thuật nói chung, trong đó có quy định về liêm chính trong nghiên cứu khoa học áp dụng chung cho giới nghiên cứu khoa học trong cả nước kèm theo những chế tài xử phạt. Đây là một kẽ hở không hề nhỏ để khi không ưa nhau hoặc vì những động cơ nào đó, người ta có thể lôi nhau ra hội đồng này, ủy ban kia với cái “tội” vi phạm liêm chính khoa học bằng một tư duy ứng xử đã xuất hiện từ hàng thế kỷ trước và hiện vẫn còn tồn tại nguyên. Để rồi liêm chính khoa học vẫn là một “thanh gươm của Damocles” treo lơ lửng trên đầu các nhà khoa học.

Từ vụ việc nhà khoa học Đinh Công Hướng nghĩ về thương mại hoá các kết quả nghiên cứu
Cần có các cơ chế thúc đẩy nhanh việc ứng dụng, thương mại hoá các nghiên cứu khoa học. Ảnh minh hoạ.

Có thể thấy, việc thiếu vắng những quy định, chế tài minh định cho việc thực hiện liêm chính khoa học là nguyên nhân gián tiếp hạn chế việc thương mại hoá, thị trường hoá các kết quả nghiên cứu khoa học để các kết quả, dự án này nhanh chóng đi vào cuộc sống. Điều này trên thực tế đã hạn chế đáng kể sự đóng góp của khoa học vào phát triển kinh tế xã hội, hạn chế hình ảnh các chuyên gia khoa học chân chính. Không ít các dự án nghiên cứu công phu, có giá trị thực tiễn cao sau khi hoàn thành, được nghiệm thu thậm chí là được đánh giá xuất sắc là các buổi “tung hô, tặng hoa”, các thành viên nghiên cứu được trả một số tiền là chấm hết và dự án được xếp vào ngăn kéo lưu trữ (!).

Đây là một nghịch lý kéo dài nhiều năm và không khó để nhận ra. Sự đóng góp, thúc đẩy của các chuyên gia khoa học Việt Nam với phát triển kinh tế cũng vì thế mà hạn chế, giới khoa học thì ngày một trở nên tự ti, đành bằng lòng với số thù lao được trả. Trong khi đó nhiều kết quả nghiên cứu, nhiều dây chuyền được nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam một thời gian “bỗng” được phát hiện là đã có từ trong nước trước đó.

Phải chăng ở đây tồn tại những “nhóm lợi ích” để thao túng các kết quả nghiên cứu khoa học trong nước. Điều này trong bối cảnh đổi mới sáng tạo hiện nay trong nền kinh tế là hoàn toàn xa lạ, nếu không muốn nói thực sự là một vấn nạn cần khẩn trương được giải quyết, tháo gỡ.

Bởi vậy vụ việc xảy đến với chuyên gia Đinh Công Hướng là cơ hội để các cơ quan có thẩm quyền không chỉ giải quyết công bằng hình ảnh, quyền lợi một cá nhân mà còn là cơ hội để giải quyết những vấn đề căn cốt hơn, góp phần đưa khoa học mang đúng vai trò là động lực để thúc đẩy phát triển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Quang Lộc

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/tu-vu-viec-nha-khoa-hoc-dinh-cong-huong-nghi-ve-thuong-mai-hoa-cac-ket-qua-nghien-cuu-283671.html