Lâm Đồng phát triển cà phê theo chuỗi nông sản toàn cầu Lâm Đồng công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao |
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Lâm Đồng là địa phương có diện tích trồng cà phê lớn của cả nước. Đây cũng là tỉnh sản xuất cà phê cho năng suất cao hơn 17% so với tổng năng suất trung bình của 5 tỉnh Tây Nguyên. Hiện Lâm Đồng đang phát triển 5 vùng chuyên canh cà phê đặc sản tại các huyện: Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng, TP. Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Các huyện này sẽ phát triển vùng sản xuất cà phê có chứng nhận theo tiêu chuẩn UTZ, 4C, Rainforest đạt 50 - 60% diện tích để cung cấp cà phê nhân đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong đó, một số vùng cà phê của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được quan tâm đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ và từng bước chinh phục thị trường thế giới.
![]() |
Các dòng sản phẩm cà phê chế biến từ nguyên liệu sản xuất cà phê bền vững của buôn làng xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương (Ảnh: Văn Việt) |
Tại huyện Di Linh, xã thuần nông Đinh Trang Hòa có 50% là đồng bào dân tộc bản địa sống bằng nghề canh tác cà phê. Cũng như nhiều vùng đất chuyên canh cây cà phê ở Tây Nguyên, hầu hết người dân Đinh Trang Hòa thường lạm dụng phân hóa học, sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật để cây cà phê phát triển tốt, cho năng suất cao. Điều này gây hệ lụy mất cân bằng hệ sinh thái cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cà phê.
Trước thực trạng này, 5 năm trở lại đây, một nhóm gồm 7 thành viên là người dân tộc K’Ho với tên gọi “Oh mi KoHo coffee” đã lập ra mô hình liên kết sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ và hiện tại đã phát triển lên mô hình tổ hợp tác. Sau vài năm thực hiện với diện tích vùng nguyên liệu trên 5,5 ha, sản phẩm cà phê hữu cơ, cà phê sạch của nhóm đã được thị trường đón nhận.
Tổ hợp tác được thành lập đã tạo điều kiện để bà con dân tộc bản địa tại xã Đinh Trang Hòa từng bước mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu cà phê sạch sản xuất theo hướng hữu cơ. Trong thời gian tới, tổ hợp tác tiếp tục kết nối thêm những đơn vị sản xuất cà phê quy mô lớn trên địa bàn tỉnh để học hỏi kinh nghiệm cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Qua đó, từng bước thay đổi tư duy, nâng cao trình độ canh tác, quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững cho các nông hộ, góp phần cùng địa phương đưa thương hiệu cà phê Di Linh vươn xa đến các thị trường trong nước và quốc tế.
![]() |
Bà con chọn những trái chín để tạo ra sản phẩm cà phê đặc sản Arabica (Ảnh: T.H) |
Tại huyện Lạc Dương ở các buôn làng dân tộc thiểu số thuộc xã Đạ Chais, cà phê chè Arabica được sản xuất bền vững gắn với chế biến an toàn, hội đủ các tiêu chuẩn chất lượng tiêu thụ trên hệ thống siêu thị từ trong nước đến thị trường nhiều nước khu vực châu Á, châu Âu...
Hiện nay, gần 60 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tham gia tổ hợp tác sản xuất cà phê Arabica với Công ty TNHH Daisy Internatonal tại xã Đạ Chais. Mỗi nông hộ trong tổ hợp tác sản xuất từ 0,5 ha đến 5 ha cà phê Arabica theo tiêu chuẩn bền vững, bảo vệ cảnh quan môi trường rừng. Hiện cà phê của các nông hộ đạt năng suất trung bình 15 tấn tươi/năm, cao hơn 3 tấn tươi/ha so với sản xuất theo cách cũ trước đây. Phần lớn sản lượng cà phê Arabica thu hoạch đều được Công ty TNHH Daisy International thu mua với giá cao hơn giá thị trường.
Các dòng sản phẩm cà phê Chappi Mountains của Công ty TNHH Daisy International đã có mặt trên hệ thống siêu thị GO! của Việt Nam, Thái Lan và các nước châu Âu. Để sánh vai với các dòng sản phẩm cà phê đã hiện diện nhiều năm tại siêu thị GO!, Công ty TNHH Daisy International đã chứng minh chất lượng sản phẩm cà phê đặc sản Chappi Mountains của buôn làng Đạ Chais được tạo ra theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến sơ chế, chế biến đạt tiêu chuẩn an toàn toàn cầu. Đó là vùng nguyên liệu các loại cà phê Arabica chứng nhận sản xuất bền vững UTZ, Rain Forest, 4C...
Đặc biệt, các dòng sản phẩm cà phê chế biến Chappi Mountains đã đạt OCOP 4 sao, chứng nhận Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu miền Trung - Tây Nguyên, chứng nhận chất lượng cà phê đặc sản của Hiệp hội Cà phê đặc sản của Hoa Kỳ; chứng nhận tiêu chuẩn an toàn quốc tế Halal; chứng nhận ISO 22000 2018...
Qua hơn 5 năm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất cà phê bền vững gắn với chế biến và tiêu thụ, sản phẩm cà phê đặc sản Chappi Mountains đã xây dựng được thương hiệu và chiếm lĩnh thị phần tại một số siêu thị trong và ngoài nước. Đây là cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số xã Đạ Chais tiếp tục phát triển diện tích cà phê sạch; áp dụng kỹ thuật mới để chăm sóc, tái canh diện tích theo quy hoạch; đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến cà phê đặc sản tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, bền vững đang được nhân rộng ở Tây Nguyên. Từ đó làm thay đổi tư duy, phương thức canh tác nhằm từng bước mở rộng quy mô sản xuất cà phê chất lượng cao - dòng cà phê đang được thị trường thế giới ưa chuộng. |