Bộ Y tế khuyến cáo bệnh "vi khuẩn ăn thịt người": Chủ quan, lơ là với dịch sẽ trả giá đắt

13:56 | 23/09/2023 In bài biết
Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.
Bộ Y tế ưu tiên thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc hiếm, thuốc không sẵn có Ca mắc tay chân miệng gia tăng, Bộ Y tế yêu cầu cơ sở y tế sẵn sàng tiếp nhận ca nặng

Bộ Y tế vừa phát đi cảnh báo về căn bệnh Whitmore trong bối cảnh bệnh diễn biến phức tạp, thường tiến triển nặng và có tỷ lệ tử vong cao. Theo Bộ Y tế, bệnh Whitmore, vốn thường được gọi là bệnh “vi khuẩn ăn thịt người” là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn B. Pseudomallei tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn.

“Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người”, Bộ Y tế nói.

Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch ...) có nguy cơ cao mắc bệnh.

Đáng chú ý tuy là bệnh chưa có vaccine đặc trị song phương thức phòng bệnh là mang tính phổ thông như hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm. Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.

Cùng đó đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng. Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

Đặc biệt khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

Bộ Y tế khuyến cáo bệnh
Cần tuân thủ tự giác và nghiêm túc các cảnh báo y tế. Ảnh minh hoạ

Có thể nhận thấy những yêu cầu dịch tễ với nêu trên là mang tính cộng đồng không chỉ góp phần phòng tránh bệnh Whitmore mà còn có thể tránh được nhiều bệnh khác.

Cảnh báo mang tính dịch tễ của Bộ Y tế được đưa ra khi hiện là giai đoạn chuyển mùa, là thời điểm dễ tạo cơ hội cho bệnh dịch phát sinh. Đây cũng còn là cảnh báo hoàn toàn cần thiết trước sự chủ quan, lơ là của cộng đồng dễ bề “cái sảy nảy cái ung”.

Kinh nghiệm của đợt dịch bệnh COVID-19 đã cho một bài rất đắt giá về thói chủ quan, lơ là trước nguy cơ dịch bệnh này. Khi dịch bệnh tạm lắng xuống không ít nơi đã vội vã quay trở lại nhịp sống thường nhật trong học tập, lao động, vui chơi giải trí để bỏ qua những cảnh báo.

Nhưng khi dịch bệnh tạm lắng cũng là lúc phát sinh các chủng virus mới mạnh hơn và bùng phát diện rộng chỉ trong một thời gian rất ngắn. Để rồi nhiều địa phương trở tay không kịp, bệnh diễn tiến diện rộng, gây những thiệt hại không nhỏ về phương diện xã hội cũng như tổn thất kinh tế không chỉ mang tính địa phương mà cả liên vùng, thậm chí là cả nước.

Dịch bệnh cũng như nhiều vụ hoả hoạn nghiêm trọng gần đây đều có nguyên nhân chủ quan từ ý thức cá nhân của con người. Sự chủ quan, lơ là trong thực hành các cảnh báo đã cho thấy không chỉ gây ra những đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng mà còn tạo nguyên nhân cho các vụ cháy gây nhiều tổn thất về tài sản và nhân mạng.

Cần phải nhấn mạnh tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh cũng như phòng cháy hơn chữa cháy.

Dường như có một nghịch lý là kinh tế càng phát triển, đời sống càng khấm khá, dư giả thì con người ta càng có xu hướng chủ quan, lơ là và thậm chí là coi thường các cảnh báo mang tính dịch tễ trong khi chính các cảnh báo này luôn mang tính “cổ điển” dài lâu với đặc trưng thường dễ bị bỏ qua. Các cảnh báo này hoàn toàn không đòi hỏi những chi phí tốn kém mà khi so với hậu quả, công sức, tiền bạc bỏ ra để chống chọi dịch bệnh lại là rất nhỏ nhoi.

Dịch bệnh, hoả hoạn tuy có thể bất ngờ song luôn xuất phát từ những kẽ hở trong cuộc sống do chính con người tạo nên. Bởi vậy, một người cẩn thận, khắc phục cho được thói chủ quan, lơ là chính là hành động cao cả vì cộng đồng trước khi vì chính mình. Kinh nghiệm từ các đợt dịch bệnh từng bùng phát đã cho thấy rất nhiều bài học đắt giá về tinh thần này.

Quang Lộc

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/bo-y-te-khuyen-cao-benh-vi-khuan-an-thit-nguoi-chu-quan-lo-la-voi-dich-se-tra-gia-dat-274091.html