Vụ "chuyến bay giải cứu": 54 bị cáo nói lời sau cùng trước tòa Chi tiết mức án của các bị cáo trong phiên toà lịch sử “chuyến bay giải cứu” |
Những diễn biến tại phiên toà vụ án “chuyến bay giải cứu” một lần nữa cho thấy quyết tâm của của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang được dư luận quốc tế đánh giá cao, góp phần khẳng định vị thế lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam phát triển với tinh thần thượng tôn pháp luật.
Nhưng cũng có những ý kiến nhân vụ án “chuyến bay giải cứu” lại “đặt vấn đề” về hiệu lực của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam thời gian qua.
Ví dụ cây bút David Hutt, chuyên viết trong mục “Đông Nam Á” của The Diplomat mới đây có bình luận rằng “vụ án “chuyến bay giải cứu” cho thấy dường như chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn nạn tham nhũng”.
Cây bút này còn “phán”: vụ việc cho thấy sau bốn năm thực hiện chiến dịch chống tham nhũng, các quan chức cao cấp vẫn nghĩ rằng họ có thể an ổn khi tham nhũng một cách trắng trợn như thế (?).
Một cây bút được xem như “am hiểu tình hình” tại chỗ như David Hutt mà còn có những nhận định đầy chủ quan như thế thì rất cần xem lại.
Việt Nam luôn trân trọng các ý kiến đóng góp của bạn bè nhưng với câu chuyện vụ án “chuyến bay giải cứu” thì có những điều cần thiết phải được khẳng định một cách sòng phẳng, rõ ràng.
Đương nhiên là thông qua vụ việc này, sẽ có nhiều điều để chúng ta cần điều chỉnh, có thể phải cập nhật, sửa lại. Và chúng ta có thể từng bước hoàn thiện tố tụng cụ thể, hoàn thiện những cơ chế quản lý cụ thể. Quan trọng nhất là đã công khai phiên tòa và những người vi phạm đã bị xem xét xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
![]() |
Các bị cáo tại phiên toà xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" |
Bản án này thêm một lần thể hiện rõ tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đặc biệt là với một vụ án có tỷ lệ cán bộ, quan chức bị truy tố nhiều hơn các vụ án trước đây.
Ở vụ án “chuyến bay giải cứu”, các công chức Nhà nước, kể cả người chức vụ thấp đến người có chức vụ cao, kể cả người đương chức, lẫn người không đương chức, hoặc kể cả các ngành, kể cả Trung ương và địa phương liên quan đến "chuyến bay giải cứu", đều bị đưa ra xét xử. Vụ án được đưa ra xét xử mở ra một quyết tâm, một niềm tin lớn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta.
Và đặc biệt điều cần khẳng định một cách rõ ràng, sòng phẳng ở đây là quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước Việt Nam là một chủ trương lớn chứ không phải là một phong trào nhất thời nào đó, được tiến hành thường xuyên liên tục và là một chủ trương không thể nghi ngờ.
Hơn thế nữa việc xử lý những đốí tượng cán bộ, quan chức được làm nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo đúng nguyên tắc: “Tích cực, khẩn trương; rõ đến đâu xử lý đến đó; không có vùng cấm; đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử; xử lý nghiêm minh nhưng phải nhân văn; có quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử cụ thể khi xem xét xử lý sai phạm...”.
Nói về quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nhiều diễn đàn, hội nghị cũng như các cuộc tiếp xúc cử tri đều đưa ra các thông điệp rõ ràng, sâu sắc của Đảng và Nhà nước về quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ở đây chỉ nhắc lại thêm và cũng là nhấn mạnh thêm tinh thần được người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta là chỉ đạo kiên quyết, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, nhân viên nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục bằng được tệ "tham nhũng vặt", gây bức xức trong xã hội, làm tổn thương tình cảm và niềm tin của nhân dân.
“Thực sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là một chủ trương chiến lược, một vấn đề cơ bản trong đường lối của Đảng ta. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta, như Bác Hồ đã dạy”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Đồng chí Tổng Bí thư nêu rõ: Tham nhũng tiền bạc, tài sản thì có thể thu hồi được, nhưng “nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả”. Bởi vậy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải tập trung vào đấu tranh với căn nguyên, gốc rễ của tham nhũng, tiêu cực là tình trạng biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.
“Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”, Tổng Bí thư chỉ rõ.
Cũng cần nhấn mạnh một điều là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; không đơn thuần là những con số vụ việc được phát hiện, xử lý.
Năm 2014, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đánh giá: Tình trạng tham nhũng “vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội”. Đến năm 2018, tình trạng này “đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm”. Năm 2020, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã “đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt... “trở thành một phong trào, xu thế” được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận”.
Nếu như năm 2014, Ban Chỉ đạo đánh giá “việc phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu” thì thời gian gần đây đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đáng chú ý nhất là hệ thống các quy định pháp luật thu hẹp, lấp kín các “kẽ hở”, ngăn ngừa, giảm thiểu những hành vi tham nhũng, tiêu cực có thể lọt qua; phát huy ý thức làm chủ và tinh thần dân chủ của người dân; cảnh tỉnh và tăng cường giáo dục, rèn luyện của cán bộ, đảng viên; loại trừ những hành vi, vụ việc, cá nhân tham nhũng, tiêu cực.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần đã góp phần thúc đẩy sự tiến bộ và những giá trị tốt đẹp, thêm động lực để những cán bộ, đảng viên trong sạch hăng hái làm việc, cống hiến. Và trên thực tế những năm qua, cùng với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được nhiều kết quả quan trọng, kinh tế ngày càng phát triển, chính trị, xã hội ổn định, uy tín và vị thế đất nước được nâng cao.
Những thiết chế để cán bộ, đảng viên không cần tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng đã và đang được Đảng và Nhà nước ta khẩn trương xây dựng và ban hành một cách kịp thời, đồng bộ với những nội hàm đầy đủ hơn, toàn diện hơn.
Gần đây nhất là Quy định số 114 về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định 114 sẽ thay thế cho Quy định 205 ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền.
Theo đó trước đây, xác định chạy chức chạy quyền là một tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng bây giờ đã thấy là nếu chỉ chống chạy chức chạy quyền thì chưa hết được tiêu cực, mà còn nhiều tiêu cực khác. Cho nên tên của Quy định 114 là “Kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” được đầy đủ hơn, rộng hơn.
Bác Hồ từng nhắc nhở người cán bộ luôn cần phải dưỡng “cần - kiệm - liêm - chính”. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng khuyên nhủ, mỗi đồng chí chúng ta nên mỗi ngày thêm một lần vào Đảng.
Đó vẫn là những “cẩm nang” thực sự cho mỗi người cán bộ, đảng viên hôm nay.