Ùn tắc hàng hóa ở cảng Cát Lái: Bộ Công Thương gửi công văn khẩn tới Thủ tướng Chính phủ 21 khuyến nghị của USAID nhằm giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái |
Đáng chú ý đây không phải lần đầu cảng Cát Lái (quận 2, TP. Hồ Chí Minh) phải chịu đựng tình trạng này mà đã diễn ra nhiều năm qua.
Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng Cát Lái hiện đã xác định có 1.100 containar phế liệu không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu theo quy định.
Phế liệu này là màng nhựa, bao bì chưa băm cắt còn lẫn tạp chất, rác thải… được các doanh nghiệp nhập khẩu ồ ạt về Cảng Cát Lái đầu năm 2018. Trong đó, có nhiều trường hợp nhập khẩu phế liệu nhưng không có giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu nên hàng về cảng nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu được.
Đại diện cơ quan chức năng cho biết, trước mắt yêu cầu buộc các hãng tàu tái xuất tất cả phế liệu này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Hãng tàu không tái xuất thì tổ chức đấu giá bán theo Thông tư 203 của Bộ Tài chính.
Vấn nạn các container vô thừa nhận nằm “ăn vạ” tại các khu vực cảng trên cả nước đã diễn ra từ nhiều năm qua gây lúng túng cho các cơ quan chức năng trong việc xử lý mặc dù cơ quan hữu quan, cụ thể là Bộ Tài chính thời gian qua đã có một loạt các thông tư để xử lý tình hình.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Đó là các thông tư Thông tư số 15/2014/TT-BTC ngày 27 tháng 01 năm 2014 hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng trong khu vực giám sát hải quan; Thông tư số 05/2003/TT-BTC ngày 13 tháng 01 năm 2003 hướng dẫn xử lý hàng tồn đọng tại cảng biển Việt Nam; Thông tư số 33/2004/TT-BTC ngày 15/4/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng hóa, hành lý, tài sản tồn đọng không có người nhận tại các cảng hàng không Việt Nam;
Cùng đó là các Thông tư số 195/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 hướng dẫn việc xử lý hàng hóa tồn đọng trong kho ngoại quan; Thông tư số 179/2011/TT-BTC ngày 08/12/2011 hướng dẫn xử lý hàng hóa bị từ bỏ, thất lạc, nhầm lẫn, quá thời hạn khai hải quan tại cảng biển mà chưa có người đến nhận quy định tại Điều 45 Luật Hải quan và hàng hóa không có người nhận khác. Mới nhất là Thông tư 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014.
Theo các chuyên gia, cần sửa đổi một số điều trong quy định trên, theo đó, sau khi gửi thông báo 3 lần mà doanh nghiệp không đến làm thủ tục nhận hàng thì hội đồng có thể tiến hành kiểm kê, thanh lý, không nhất thiết phải chờ từ chối nhận hàng của hãng tàu hoặc khách hàng. Bên cạnh đó, cần khắc phục tình trạng thời gian xử lý kéo dài làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa cũng như hoạt động khai thác của cảng.
Tuy nhiên cũng có chuyên gia nêu ý kiến, việc có nhiều thông tư xử lý vấn đề song tình trạng container bị từ chối nhận kéo dài cho thấy cần thiết phải có chế tài đủ mạnh để xử lý vấn đề.
Theo đó nhiều chuyên gia kiến nghị cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Hàng hải và Luật Bảo vệ môi trường theo hướng ràng buộc trách nhiệm đơn vị vận chuyển trong việc chở hàng phế liệu và hàng cấm vào lãnh thổ Việt Nam.