Homestay giữa rừng Sóc Sơn, vụ sạt lở Lâm Đồng và bài học quản lý

16:29 | 06/08/2023 In bài biết
Nước cuồn cuộn cuốn theo lượng lớn đất đá trút xuống đường. Chúng ta đã, đang phải trả giá cho những công trình vi phạm trên đất rừng tại Sóc Sơn, Hà Nội!?
Thời tiết hôm nay ngày 5/8/2023: Mưa lớn, nhiều khu vực bị sạt lở nghiêm trọng Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn: "Tin lũ quét, sạt lở đất ở Sóc Sơn là không chính xác" Miền núi phía Bắc chủ động ứng phó với mưa lớn sạt lở đất

Thông tin đáng chú ý những ngày qua: Hàng chục xe ô tô bị “chôn chân” bởi bùn, đất tại Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Sự việc xảy ra sau vụ sạt lở lịch sử trên đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng làm 4 người tử vong, 37 người thoát chết trong gang tấc.

Báo chí gọi sự việc chưa từng xảy ra tại Sóc Sơn này là một vụ sạt lở với những tiêu đề rất nóng, rất nghiêm trọng: “Sạt lở ở Sóc Sơn, hàng loạt ô tô bị nhấn chìm trong bùn đất”, “Lũ quét bất ngờ, nhiều ô tô bị mắc kẹt ở Sóc Sơn”…

Còn nói giảm, nói tránh như chính quyền huyện Sóc Sơn, vụ việc đơn giản chỉ là địa hình có độ dốc, mưa lớn kéo theo bùn đất dắt vào bánh xe.

Homestay giữa rừng Sóc Sơn, vụ sạt lở Lâm Đồng và bài học quản lý
Khu vực hàng chục xe ô tô bị đất, đá dắt vào bánh xe. Ảnh: Phùng Đô

Sạt lở, lũ quét hay cái gì đó chỉ là cách hiểu và nhận thức, đánh giá sự việc của mỗi người. Bản chất không thay đổi, sự việc có mức độ nguy hiểm nhất định.

Nhìn dòng nước cuồn cuộn kéo theo đất, đá trút xuống đường như thác đổ, tràn qua hàng chục xe ô tô, người dân đành bất lực để tài sản bạc tỉ của mình cho thiên nhiên quyết định số phận.

Nguyên nhân của sự việc chưa từng có này bắt nguồn từ đâu?

Mưa lớn, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu hay yếu tố địa hình?

Tất cả đều đúng. Nhưng chưa đủ.

Còn một nguyên nhân nữa chúng ta cần nhìn thẳng vào, đó là yếu tố con người, là tác động của con người vào tự nhiên, là những công trình vi phạm tràn lan giữa rừng ở Sóc Sơn.

Năm 2019 và năm 2021, Thanh tra TP Hà Nội đã có 2 kết luận thanh tra, kết luận có hàng trăm công trình vi phạm xây dựng tại Sóc Sơn, trong đó có nhiều công trình vi phạm tại xã Minh Phú – địa phương vừa xảy ra vụ “đất đá dắt vào bánh hàng chục xe ô tô” như cách nói của chính quyền.

Sau thanh tra, vi phạm cũ chưa được giải quyết dứt điểm, vi phạm mới lại “phình ra”.

Báo Thanh tra dẫn lời ông Nguyễn Huy Du, Chủ tịch UBND xã Minh Phú cho biết, trong năm 2022, trên địa bàn xã có 24 công trình xây dựng vi phạm về đất đai, xây dựng.

5 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn Minh Phú có thêm 23 công trình vi phạm, gần bằng cả năm 2022.

Những công trình vi phạm này, dù các cấp chính quyền đã rất nỗ lực, cố gắng ngăn chặn, cưỡng chế, phá dỡ, nhưng nhiều công trình vẫn tiếp tục được hoàn thiện, đưa vào sử dụng.

Hôm qua là “hàng chục ô tô bị "chôn chân" bởi đất đá sau mưa”, ngày mai và tới đây sẽ ra sao?

Bà mẹ thiên nhiên đã thực sự nổi giận.

Nếu các cấp chính quyền không nhìn thẳng vào bản chất sự việc, không nghiêm túc trong công tác quản lý, quy hoạch; người dân không ý thức được hệ lụy của những biệt thự, homestay... trên đất rừng, thì tới đây có thể sẽ có những sự việc lịch sử chưa từng có nữa.

Hãy nhìn vụ sạt lở lịch sử trên đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng lấy làm gương!

Hoàng Hải

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/homestay-giua-rung-soc-son-vu-sat-lo-lam-dong-va-bai-hoc-quan-ly-265451.html