Chi hơn 32 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trong 4 tháng Tăng hiệu quả xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc |
Theo ông Hoàng Minh Chiến- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, Sơn Đông là tỉnh rất lớn của Trung Quốc, có quy mô dân số trên 100 triệu dân, tổng giá trị sản xuất quốc nội của thành phố đứng thứ 3 Trung Quốc.
Đặc thù là tỉnh có thế mạnh về công nghiệp nặng, cơ khí chế tạo chính xác, công nghệ thông tin, cùng đó là chế biến sâu nông thủy sản, doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp Sơn Đông để tiếp thu nền tảng công nghệ tiên tiến, từ đó nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Mặt khác, Sơn Đông có quy mô dân số lớn rất tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. “Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu đồ gỗ nội thất, hàng dệt may, thiết bị điện tử, cao su và nông thủy sản sang thị trường này nhưng kim ngạch còn nhỏ ”, ông Hoàng Minh Chiến cho hay.
![]() |
Đầu tư cho chất lượng sản phẩm, điều kiện sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc |
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Sơn Đông nói riêng, Trung Quốc nói chung, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho hay, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ giao cho các đơn vị liên quan trong đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động kết nối giao thương, đầu tư giữa doanh nghiệp hai bên.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng- Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dinh dưỡng Hữu cơ Việt Nam Vinanutifood - cho hay: Thị trường Trung Quốc ngày một “khó tính”. Với việc ban hành lệnh 248 và 249 cùng nhiều quy định mới, Trung Quốc đang siết chặt các tiêu chuẩn với hàng hoá nhập khẩu.
Theo đại diện Vinanutifood, việc Trung Quốc siết các tiêu chuẩn với hàng hoá nhập khẩu không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội với doanh nghiệp. Thực tế, những doanh nghiệp sớm đầu tư đạt các chứng nhận thì thời điểm này xuất khẩu rất thuận lợi, kể cả trong thời gian cao điểm của dịch.
Với những doanh nghiệp chưa đủ nguồn lực để đầu tư đạt các chứng chỉ có thể liên kết, trở thành nhà cung cấp nguyên liệu cho những doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn về nhà máy để cùng xuất khẩu sản phẩm. Chúng ta có thể cộng lực lại với nhau giống như bó đũa, ai làm việc gì và phải phân nhiệm vụ rõ ràng mới có thể làm lớn và lâu dài.
“Chúng ta hãy hiểu rằng, khi xác định thị trường mục tiêu và tập trung nguồn lực, trí tuệ vào thị trường đó sẽ không bao giờ có câu chuyện được mùa mất giá”, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng nói.
Cũng là một trong số các doanh nghiệp rốt ráo chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ để xuất khẩu yến sào mang thương hiệu Song Yen sang thị trường Trung Quốc, ông Dương Trường An- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP quốc tế Hoàng Nam, phân tích: Tiêu thụ tới 80% sản lượng yến của thế giới, Trung Quốc là thị trường mơ ước của các doanh nghiệp xuất khẩu yến. Theo khảo sát gần đây, so với yến của các nước khác, yến của Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, việc hoàn thiện các thủ tục theo quy định để xuất khẩu yến sào sang Trung Quốc của Hoàng Nam cũng như của nhiều doanh nghiệp khác đang gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, trong nghị định thư cho phép Việt Nam xuất khẩu chính ngạch yến sang Trung Quốc yêu cầu rất rõ về chỉ tiêu chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên do đặc thù chim yến không phải được nuôi mà dẫn dụ về ở nên không thể xác định chim yến đi đâu, tiếp xúc với những gì do vậy công tác kiểm soát dịch bệnh là thách thức lớn.
“Với sự hướng dẫn của các Bộ, ngành, doanh nghiệp đang xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch nhưng vẫn rất lúng túng. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ sát sao hơn nữa để có thể hoàn thiện các thủ tục hành chính, kiểm soát dịch bệnh”, ông Dương Trường An nói.
Sơn Đông nói riêng, Trung Quốc nói chung là thị trường xuất khẩu truyền thống, rất quan trọng của Việt Nam và luôn được lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu nhằm đưa hàng hoá sang thị trường này. Đặc biệt, không chỉ ở các vùng giáp biên giới mà tiếp cận sâu trong thị trường nội địa còn nhiều dư địa để khai thác.
Để hàng hoá Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường này, ông Tô Ngọc Sơn- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương, khuyến cáo: Doanh nghiệp cần tích cực tham dự các hội chợ triển lãm quốc tế được tổ chức tại Trung Quốc để kết nối trực tiếp, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại ổn định, lâu dài, hiệu quả. Doanh nghiệp nông, thủy sản của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến, chuỗi cung ứng lạnh đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc.
Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á- châu Phi cũng đề nghị: Thương vụ/Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại các địa phương của Trung Quốc cập nhật và thông tin kịp thời chính sách thương mại của nước bạn để doanh nghiệp trong nước điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.