Miến dong Bình Liêu giúp người dân thoát nghèo Bình Liêu - Quảng Ninh: Thu hút đầu tư bằng thế mạnh riêng |
Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 96%; chủ yếu là người Tày, Dao và Sán Chỉ. Khi những nương lúa chín vàng thu hoạch xong cũng là lúc bà con nơi đây bắt tay vào thu hoạch củ dong riềng - nguyên liệu chính để sản xuất miến dong Bình Liêu.
![]() |
Bà con chăm sóc cây dong riềng |
Do hợp khí hậu thổ nhưỡng, củ dong riềng trồng tại Bình Liêu cho chất lượng tốt, ít xơ, nhiều bột, vị ngọt dịu, thơm nhẹ. Để củ dong riềng đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, từ nhiều năm nay, người dân nơi đây đều trồng dong riềng theo phương pháp hữu cơ truyền thống. Các cơ sở chế biến miến dong cũng đưa máy móc, công nghệ vào sản xuất, chế biến, kết hợp với phương pháp làm miến thủ công. Bởi vậy, sản phẩm miến dong Bình Liêu không chỉ giữ được chất lượng đặc trưng mà còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bình Liêu xác định, dong riềng là cây trồng mũi nhọn để người dân các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn như: Đồng Tâm, Lục Hồn, Vô Ngại, Húc Động phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Do vậy, thời gian qua, tỉnh đã tập trung quy hoạch, phát triển vùng trồng cây dong riềng gắn với chế biến, tiêu thụ. Đồng thời, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển vị trí trồng dong riềng từ vườn nhà, chân đồi lên sườn đồi, đỉnh đồi thấp; trồng theo quy trình sử dụng phân chuồng ủ để bón cho cây; xây dựng bể, giếng chứa nước để chủ động bổ sung nước tưới cho cây… Chú trọng hỗ trợ người dân trồng các giống dong riềng mới và vận động 100% cơ sở sản xuất miến ký kết tiêu thụ dong riềng với bà con. Nhờ đó, năng suất, sản lượng, giá trị cây dong riềng được nâng cao.
Ngoài ra, các khâu sơ chế, chế biến và quản lý chất lượng sản phẩm dong riềng theo quy trình sản phẩm OCOP cũng được Bình Liêu chú trọng đầu tư. Nhiều cơ sở và hộ sản xuất được hỗ trợ nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm. Thời gian qua, huyện đã hỗ trợ trên 1,8 tỷ đồng cho 2 đơn vị nâng cấp hệ thống dây chuyền chế biến miến dong, nhà xưởng và hệ thống xử lý môi trường. Qua đó, nâng cấp công nghệ cho khâu xát bột dong riềng để dự trữ cho sản xuất.
![]() |
Đóng gói sản phẩm tại Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu |
Về vấn đề quản lý chất lượng, huyện đã hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện nhãn mác bao bì, 100% đơn vị dán tem truy xuất nguồn gốc. Qua đó, miến dong Bình Liêu ngày càng được khẳng định về chất lượng, là sản phẩm OCOP 4 sao, được người tiêu dùng ưu chuộng.
Năm 2022, huyện Bình Liêu được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số vùng trồng dong riềng cho 3 vùng: Vùng trồng dong riềng tại các thôn Nà Ếch, Pò Đán (xã Húc Động); vùng trồng dong riềng tại thôn Thông Châu (xã Húc Động); vùng trồng dong riềng tại thôn Pắc Pền (xã Đồng Tâm).
Nhờ phát triển được vùng nguyên liệu, nghề chế biến miến dong của huyện ngày càng phát triển, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương. Miến dong cũng là một trong những sản phẩm thế mạnh được huyện Bình Liêu chú trọng phát triển với sự đóng góp của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Việc thành lập các hợp tác xã nhằm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm miến dong Bình Liêu.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện nhanh chóng tái cơ cấu, tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh theo định hướng kinh tế thị trường nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, đảm bảo tính cạnh tranh. Trước đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu đầu vào là củ dong riềng từ hoạt động trồng trọt nhỏ lẻ, manh mún. Nay trước nhu cầu phát triển, tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng, doanh nghiệp đã liên kết với người dân mở rộng diện tích trồng dong riềng và cam kết bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, đầu tư mở rộng thêm dây chuyền sản xuất hiện đại, đồng bộ, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hiện huyện Bình Liêu đã xây dựng quy hoạch phát triển vùng trồng dong riềng tập trung trên địa bàn 5 xã, mở rộng trên toàn huyện với diện tích quy hoạch 500 ha. Diện tích cây dong riềng được quy hoạch trồng mở rộng là tiền để để hợp tác xã và các đơn vị mở rộng sản xuất. |