Dấu mốc chuyển đổi số của ngành y tế Công bố kết quả nghiên cứu mới nhất về tầm nhìn trong ngành y tế |
Những điểm mới trong Nghị quyết số 30/NQ-CP
Theo ông Nguyễn Tường Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), thành viên soạn thảo Nghị quyết 30/NQ-CP: Nghị quyết có nhiều điểm mới, tháo gỡ cơ bản những vướng mắc của các cơ sở y tế hiện nay, từng bước hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
![]() |
Cấp bách tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế |
Giải pháp được đề cập tại Nghị quyết số 30/NQ-CP bao gồm: Tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất
Theo đó, với các hợp đồng được ký trước ngày 5/11/2022 thực hiện theo thời hạn của hợp đồng; hợp đồng được ký từ ngày 5/11/2022 thực hiện đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này, bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp. Trường hợp 2 loại hợp đồng trên hết thời hạn thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 30/NQ-CP cũng đưa ra nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị y tế theo yêu cầu của chủ đầu tư và các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán.
Đồng thời cho phép áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Việc xác định giá gói thầu được dựa trên tính năng kỹ thuật, nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính của chủ đầu tư. Giá trúng thầu của gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 120 ngày. Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá cho từng phần trong giá gói thầu.
Được phép sử dụng các trang thiết bị do cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ và các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán.
Các cơ sở y tế được phép sử dụng các trang thiết bị do cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh.
Dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ y tế cung cấp từ các trang thiết bị y tế này và được sử dụng kinh phí của cơ sở để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế trong quá trình sử dụng.
Trong nhiều năm nay, tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là bệnh viện lớn trực thuộc Bộ Y tế, tỉ lệ sử dụng máy liên doanh, liên kết, xã hội hóa tại bệnh viện chiếm tới 70 - 80%, thậm chí có bệnh viện sử dụng các loại máy theo hình thức này đến 90%.
Tháo gỡ khó khăn cấp bách
Đánh giá hiệu quả Nghị quyết này, Bộ Y tế cho hay, Nghị quyết số 30/NQ-CP là căn cứ để các bộ, ngành, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất và nhà quản lý các cấp, lãnh đạo bệnh viện, cơ sở y tế xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ các bên, góp phần đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế nhằm phục vụ tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bộ Y tế giao trách nhiệm cho các đơn vị liên quan của Bộ Y tế tổ chức thực hiện và ban hành văn bản hướng dẫn để thống nhất thực hiện trong toàn ngành theo đúng quy định của Chính phủ.
Về phía các bệnh viện, trong bối cảnh đang gặp khó trong công tác khám chữa bệnh cho người dân, do thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, thì những chỉ thị liên tiếp này sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cấp bách để các bệnh viện có thuốc, vật tư, trang thiết bị trong tình trạng khẩn cấp để phục vụ người bệnh.
Ông Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - bày tỏ vui mừng khi soạn thảo lần này Chính phủ và Bộ Y tế đã lấy ý kiến các bệnh viện. Bệnh viện Bạch Mai cũng đã có những ý kiến tham gia đóng góp, nêu rõ những vướng mắc trực tiếp ảnh hưởng đến bệnh viện. Bởi vậy khi Nghị quyết được ban hành rất sát với những khó khăn mà các bệnh viện đang gặp phải, giải quyết được những vấn đề cấp bách.
Cũng là bệnh viện tuyến đầu như Bệnh viện Bạch Mai, nhưng từ ngày 1/3/2023, Bệnh viện Việt Đức đã chính thức hạn chế mổ phiên (mổ theo lịch - những ca mổ không phải cấp cứu), chỉ ưu tiên phẫu thuật những bệnh nhân nặng và bệnh nhân cấp cứu. Cùng đó, bệnh viện sẽ cân nhắc chỉ định xét nghiệm khi thật cần thiết, hạn chế tối đa các xét nghiệm cho bệnh nhân không cấp cứu. Nguyên nhân là do bệnh viện qua rà soát lại tại các khoa phòng đã “cạn kiệt” hóa chất, vật tư y tế.
Vì vậy, khi đón nhận Nghị quyết mới, ông Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức – nhấn mạnh: Nghị quyết đã cơ bản tháo gỡ vướng mắc về thiếu trang thiết bị, vật tư tại các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Để giải quyết tình cấp bách thực trạng đang tồn tại, Nghị quyết cũng yêu cầu Bộ Y tế trong quý II/2023 có trách nhiệm xây dựng, ban hành hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế; sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, cấp địa phương bảo đảm phù hợp với năng lực tổ chức đấu thầu của từng cấp và khả năng cung ứng của doanh nghiệp để cung ứng đủ, kịp thời thuốc cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung…
Trong quý II/2023, Bộ Y tế cần hoàn thành rà soát, đánh giá cụ thể việc tiếp nhận máy móc, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng do tổ chức, cá nhân tặng, cho, đóng góp, tài trợ, viện trợ cho các cơ sở y tế sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh; trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan có liên quan đề xuất giải pháp cụ thể báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. |