Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết quý 4/2022 còn hơn 4,6 tỷ đồng

22:49 | 03/03/2023 In bài biết
Bộ Tài chính cho biết số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hết quý 4/2022 (đến hết ngày 31/12/2022) là hơn 4,6 tỷ đồng; tổng số sử dụng quỹ bình ổn giá là gần 79,3 tỷ đồng.
Bộ Tài chính: Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn dư hơn 3.970 tỷ đồng Số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 1.495 tỷ đồng
So du Quy binh on gia xang dau den het quy 4/2022 con hon 4,6 ty dong hinh anh 1
Mua bán xăng tại một điểm kinh doanh xăng, dầu của Petrolimex trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngày 3/3, Bộ Tài chính cho biết số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hết quý 4/2022 (đến hết ngày 31/12/2022) là hơn 4,6 tỷ đồng.

Theo đó, trong quý 4/2022, tổng số trích quỹ bình ổn giá là gần 2,2 tỷ đồng; tổng số sử dụng quỹ bình ổn giá là gần 79,3 tỷ đồng; lãi phát sinh trên số dư quỹ bình ổn giá dương hơn 2 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư quỹ bình ổn giá âm trong quý 4/2022 là hơn 1,4 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng cho biết số dư quỹ bình ổn giá tại thời điểm 30/9/2022 là hơn 2.54 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, việc công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhằm thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 và Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 (sửa đổi, bổ sung) của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu được lập tại doanh nghiệp khi được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về Quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (ngân hàng); có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là 300 đồng/lít đối với các loại xăng, các loại dầu diesel, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu mazut ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa và được xác định là một yếu tố cấu thành giá cơ sở và giá bán của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương./.

www.vietnamplus.vn

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/so-du-quy-binh-on-gia-xang-dau-den-het-quy-42022-con-hon-46-ty-dong-244774.html