Để di tích, di sản của Hà Nội trường tồn với thời gian Trưng bày hơn 800 sách, tư liệu về Đảng Cộng sản Việt Nam |
Đề cương văn hóa năm 1943 có thể coi là bản tuyên ngôn đầy đủ đầu tiên về xây dựng một nền văn hóa mới trên đất nước chúng ta. Dù là văn kiện về văn hóa đầu tiên nhưng lại giàu chất lý luận, thể hiện tầm vóc tư duy về văn hóa văn nghệ của Đảng ta.
Trong Đề cương văn hóa năm 1943, Đảng Cộng sản Việt Nam trình bày rõ ràng những quan điểm cơ bản của mình về văn hóa: vị trí của văn hóa trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc, sự tất yếu phải tiến hành cách mạng tư tưởng văn hóa và định hướng xây dựng nền văn hóa trên cơ sở thấm nhuần ba nguyên tắc: Dân tộc, khoa học và đại chúng.
![]() |
Hình ảnh bản “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943 trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: Hải Nguyễn |
“Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”.
Đây là những dòng suy ngẫm về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trong những năm tháng phải sống trong ngục tù. Do đó, từ khi ra đời vào năm 1930, vấn đề văn hóa đã được Bác Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng trong các cuộc vận động cách mạng.
Tuy nhiên, phải đến Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, vấn đề văn hóa mới được xem xét một cách có hệ thống. Đề cương văn hóa do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng khởi thảo và công bố vào năm 1943 khi toàn Đảng, toàn dân đang dồn mọi tâm huyết và nỗ lực để tiến hành một cuộc cách mạng, chính trị nhằm giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
1
Trước hết, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định vị trí của văn hóa là một trong ba lĩnh vực chính của đời sống xã hội, bao gồm: văn hóa, kinh tế, chính trị. Văn hóa được coi như một mặt trận, một động lực và mục tiêu của cuộc kháng chiến, vì thế “không chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra khẩu hiệu “kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến”. Văn hóa được xem là vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng. Lúc này, mặt trận văn hóa đoàn kết, tập hợp lực lượng và cổ vũ cho phong trào cách mạng.
Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng từ ngày 25 đến 28.2.1943 đã chủ trương “cần có cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hóa, gây ra một phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc chống lại văn hóa phát xít. Ở những đô thị văn hóa như Hà Nội, Sài Gòn, Huế phải gây dựng các tổ chức văn hóa và phải dùng các hình thức công khai hoặc bán công khai đặng đoàn kết các nhà văn hóa và tri thức”.
Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 có giá trị lý luận, giá trị khoa học, giá trị thực tiễn rất sâu sắc khi thức tỉnh nhiều tri thức, những văn nghệ sĩ đang bi quan, dao động, mất phương hướng thấy được lối thoát để phát huy tài năng, đóng góp vào sự nghiệp văn hóa của đất nước. Muốn mình được giải phóng trước hết, giới tri thức và các văn nghệ sĩ phải tự nguyện dấn thân vào con đường giải phóng dân tộc và chính họ phải là lực lượng xung kích tham gia vào mặt trận văn hóa tư tưởng, đoàn kết lại trong Hội Văn hóa cứu quốc.
Nhà văn Kim Lân trong sách Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 - Những giá trị tư tưởng - văn hóa đã viết: “Sau khi nhận thức đầy đủ của Đề cương, tôi mới thực sự thấm thía. Trong hoàn cảnh văn chương bế tắc, xa rời dân tộc, xa rời quần chúng ba nguyên tắc mà Đề cương đưa ra thật sáng suốt, thiết thực. Tôi nghĩ từ nay về sau bản Đề cương văn hóa vẫn còn phù hợp”.
2
Phần lớn nội dung của Đề cương văn hóa tập trung vào việc đề ra nhiệm vụ cần giải quyết của cách mạng văn hóa Việt Nam: “Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo văn hóa”, với ba phương châm: Dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa.
Đề cương giải thích dân tộc hóa là chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập. Văn hóa phải cắm rễ sâu vào truyền thống dân tộc, khai thác và phát huy tốt nhất các giá trị của văn hóa dân tộc, phải gắn với đời sống thực tiễn của nhân dân, cảm thông với tâm hồn quần chúng. Khoa học hóa được xác định là chống lại tất cả những cái gì phản tiến bộ. Một nền văn hóa phát triển phải dựa trên chuẩn mực của cái đúng, của luật pháp, của các quy luật khách quan. Đây là nguyên tắc có ý nghĩa thời đại, bổ sung sự thiếu hụt của nền văn hóa truyền thống.
Đại chúng hóa là “chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng”. Đại chúng hóa yêu cầu xây dựng một nền văn hóa mới hướng tới các giá trị phổ quát cho số đông người. Đồng thời, văn hóa cũng là những giá trị được tạo ra bởi số đông nhân dân - lực lượng làm nên lịch sử.
Một nền văn hóa khai phóng, khuyến khích được sức sáng tạo, tư duy của đông đảo nhân dân, của cả cộng đồng mới là một nền văn hóa giàu sức sống và đa dạng. Quan điểm này, mãi đến năm 1976 mới được Liên hiệp quốc quan tâm khi UNESCO thông qua Khuyến nghị về sự tham gia của quần chúng nhân dân vào đời sống văn hóa công nhận: Văn hóa là sản phẩm của các cá nhân, các nhóm, cộng đồng người trong xã hội, chứ không chỉ giới hạn ở hoạt động tư duy khoa học và sáng tạo nghệ thuật của giới tinh hoa như cách hiểu trước đây.
Phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng của văn hóa mới Việt Nam đã góp phần hình thành một thế hệ người Việt Nam mới mà khát vọng “không có gì quý hơn độc lập tự do”, có phẩm chất trung thực với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
3
Vấn đề cốt lõi của bản “Đề cương văn hóa” xác định tính giai cấp, tính Đảng trong văn hóa Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định quyền lãnh đạo mặt trận văn hóa của mình và nhấn mạnh chỉ có đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn hóa Việt Nam mới tìm thấy tương lai tươi sáng của mình. Đây là một thái độ rõ ràng và dứt khoát, phải đạt đến độ chín của tư duy lý luận mới có thể trình bày vấn đề một cách rõ ràng như vậy.
Câu nói nổi tiếng của Lê-nin: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng” vẫn luôn có tác dụng với thời đại của chúng ta hiện nay. Do đó, trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, công tác nghiên cứu lý luận Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đóng vai trò rất quan trọng. Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII nhận xét: “Hoạt động lý luận phê bình đã đạt được những kết quả tích cực khẳng định mạnh mẽ văn nghệ cách mạng và kháng chiến đẩy lùi một bước những quan điểm sai trái”.
Kể từ khi công bố “Đề cương văn hóa” năm 1943 đến nay, Đảng ta một mặt tổng kết kinh nghiệm từ những hoạt động chỉ đạo thực tiễn xây dựng nền văn hóa mới. Mặt khác, không ngừng phát triển tư duy khoa học của nền văn hóa Việt Nam để đảm bảo cho những quan điểm, đường lối về văn hóa, văn nghệ của Đảng ta không ngừng được bổ sung và ngày càng hoàn thiện.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến phải đậm đà bản sắc dân tộc và Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo chính là sự kế thừa những quan điểm của Đảng ta trong Đề cương văn hóa năm 1943 nhưng phát triển những giá trị lý luận của Đề cương lên một tầm cao mới.