Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt 200 tỷ USD |
Ghi nhận tăng ở các thị trường
Để có được giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2022 ước đạt khoảng 750 tỷ USD và tiếp tục cân bằng được cán cân thương mại với kỷ lục xuất siêu hơn 11 tỷ USD phải kể đến nỗ lực của các ngành kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực thi các FTA nhất là các FTA thế hệ mới.
Thực tế cho thấy, các khu vực thị trường FTA đã tạo cơ hội gia tăng giá trị cho nhiều loại hàng hoá tiêu dùng có thế mạnh của Việt Nam.
Theo ông Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, sau cú sốc dịch Covid-19, với những số liệu về xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên của Hiệp định CPTPP trong năm 2021 và 2022 cho thấy các doanh nghiệp, ngành hàng đã nắm bắt được cơ hội CPTPP mang lại để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
![]() |
Xuất khẩu ghi nhận thêm một năm bội thu dù gặp không ít khó khăn |
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, khoảng 50 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP. Điều này cho thấy rằng CPTPP đã hỗ trợ, khuyến khích khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này cũng như tự tin bước vào sân chơi quốc tế rộng lơn.
Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), xuất khẩu của Việt Nam cũng đã tăng trưởng trên 22,3% trong 10 tháng của năm 2022 với kim ngạch hàng hoá đạt hơn 39,4 tỷ USD. Hàng loạt mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, đồ gỗ và nhóm hàng điện tử đều có mức tăng trưởng cao. Nhóm nông, lâm thuỷ sản cũng có tăng trưởng rất tích cực, trong đó một số mặt hàng (gạo, thuỷ sản) trước đây vốn khó thâm nhập được vào thị trường EU thì sau khi có EVFTA - nhờ các cam kết hạn ngạch thuế quan đã xuất khẩu được vào thị trường này.
Thêm một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao nữa là Hiệp định thương mại thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA). Qua gần 2 năm có hiệu lực, mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, song kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Anh vẫn đạt tăng trưởng cao ở mức 2 chữ số. Trong đó, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Anh tăng 15,4%.
Với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ đầu năm 2022, mặc dù chưa phải là một hiệp định tiêu chuẩn cao, song FTA mới này cũng đã đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, trong đó có ngành nông nghiệp. Xét về thị trường chiếm tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản của cả nước, các doanh nghiệp nông nghiệp có thêm cơ hội mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có lợi thế như: Gạo, cà phê, tiêu, điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ… RCEP với những quy định cởi mở về xuất xứ hàng hóa giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các đối tác. Với người sản xuất, RCEP đem đến cơ hội nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, đa dạng về nguồn cung ứng và chất lượng với giá thành rẻ hơn.
Giữ vững thành quả
Mặc dù có nhiều cơ hội, thuận lợi, song cũng còn không ít thách thức nhất định đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận và mở rộng thị trường trong năm 2023.
Ông Nguyễn Tiến Chương - Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu Đồng Nai cho biết, lạm phát, chi phí sản xuất tăng đã làm tăng giá thành và đẩy các doanh nghiệp vào thế khó. Thị trường tiêu thụ chậm lại, nhiều nhà nhập khẩu hủy, hoãn nhận hàng khiến chi phí lưu kho và các chi phí hậu cần khác tăng. Ngoài ra, thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đó là nguồn lực còn hạn chế. Để cải thiện năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cần phải hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và muốn đổi mới công nghệ phải có vốn và nhân lực. Tuy vậy, đây lại là hai yếu tố còn nhiều bất cập khiến cho việc khai thác cơ hội xuất khẩu của DN còn gặp khó khăn.
Theo bà Vũ Chi Mai - Chuyên gia tư vấn năng lượng thuộc Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) với một nền kinh tế mở như Việt Nam, khi tham gia các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA… nhất là để có thể xuất khẩu lâu bền sang EU, doanh nghiệp bắt buộc phải tính đến sản xuất hàng hóa bằng các nguồn năng lượng sạch gắn với các tiêu chuẩn về môi trường.
Các chuyên gia thương mại quốc tế cũng nhấn mạnh việc nhiều đối tác FTA đang ngày càng đẩy mạnh thực thi và giám sát thực thi các Chương liên quan đến cam kết về môi trường, khí hậu, chuyển đổi xanh, lao động, việc làm và phát triển bền vững… Do đó, thách thức chính của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là phải tuân thủ quy trình sản xuất xanh để có được các sản phẩm xanh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các tiêu chí về môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội; qua đó cũng giúp cho Việt Nam phát triển xuất khẩu bền vững hơn.