Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại
Hoạt động xuất nhập khẩu đã đạt được kết quả tương đối khả quan trong những năm vừa qua, đặc biệt cả trong 2 năm cả thế giới lao đao vì đại dịch. Trong giai đoạn khó khăn đó, hoạt động xúc tiến xuất khẩu cũng phải đổi mới để thích ứng.
Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ, hai năm qua, hoạt động xuất nhập khẩu trên toàn thế giới bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, trong đó các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ xuất khẩu truyền thống theo phương thức trực tiếp hầu như không thể thực hiện được.
Trong giai đoạn khó khăn đó, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các đơn vị trong Bộ, Cục Xúc tiến thương mại đã kịp thời nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp và trực tiếp triển khai các phương thức xúc tiến thương mại mới hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khai thác các cơ hội thị trường, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu.
![]() |
Cục Xúc tiến thương mại tổ chức đoàn giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Âu ngay sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát |
Cụ thể, Cục đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, qua đó đã hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thích nghi dần và biết khai thác các lợi thế của xúc tiến thương mại trên môi trường số.
Đơn cử, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trên môi trường số theo các hình thức đa dạng: trực tuyến hoặc hybrid (trực tiếp kết hợp trực tuyến) như giao thương trực tuyến, hội chợ triển lãm thực tế ảo, triển lãm từ xa… Các hoạt động xúc tiến thương mại đã kết nối hàng triệu lượt doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhập khẩu, hệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, duy trì quan hệ khách hàng, tăng phạm vi tiếp cận thị trường mới, khách hàng mới, khách hàng tiềm năng để tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp ngay sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Cục Xúc tiến thương mại cũng tập trung ưu tiên cho hoạt động hỗ trợ, tư vấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ xúc tiến thương mại đáp ứng với tình hình mới cho các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại ở trung ương và địa phương. Qua đó, giúp lan tỏa, nhân rộng phạm vi, quy mô hỗ trợ của Chính phủ về xúc tiến thương mại tới cộng đồng doanh nghiệp hơn trước đây.
“Trong triển khai hoạt động xúc tiến xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại đã tư vấn cho các hiệp hội ngành hàng quan tâm đặc biệt tới việc định vị, xây dự kế hoạch xúc tiến xuất khẩu, xác định thị trường mục tiêu để xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng cho phù hợp đảm bảo hiệu quả và bền vững” – ông Lê Hoàng Tài chia sẻ.
Bên cạnh việc tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại xúc tiến xuất khẩu, các hoạt động xúc tiến nhập khẩu vật tư, nguyên liêu, máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ cũng được coi trọng như một giải pháp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng xuất khẩu.
Cơ hội nào cho xuất khẩu hàng hóa?
Xuất khẩu hàng hóa đang đối diện với nhiều thách thức từ thị trường khi hàng rào phòng vệ thương mại được dựng lên ngày một nhiều. Đơn cử, phòng vệ thương mại (PVTM) là công cụ được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các thành viên sử dụng với mục đích bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu, hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa. Chính vì vậy, cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, các biện pháp PVTM thường xuyên được các quốc gia trên thế giới sử dụng. Đặc biệt, các nền kinh tế có xuất khẩu càng lớn thì càng dễ trở thành đối tượng của các biện pháp PVTM.
Theo số liệu mới nhất từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 7/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 220 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 173 vụ, chiếm tỷ lệ 78%. Thời gian tới, dự báo nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối diện với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại sẽ lớn hơn khi nền kinh tế thực hiện các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP…
Đối mặt với nhiều thách thức từ thị trường khi hàng rào PVTM đang được dựng lên ngày một nhiều, ông Lê Hoàng Tài chia sẻ, hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu trong thời gian tới sẽ phải cân nhắc đến những giải pháp cụ thể.
Cụ thể, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Văn phòng xúc tiến thương mại và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để kịp thời triển khai công tác thông tin, cảnh báo cho các doanh nghiệp về các yêu cầu, quy định nhập khẩu của thị trường nước sở tại đang áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam trong việc cải tiến kỹ thuật sản xuất, chú trọng đến sản xuất theo các quy chuẩn quốc tế, xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo hàng hóa đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, hạn chế tối đa rủi ro khi xuất khẩu hàng Việt Nam.
Tăng cường đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp kỹ năng phát triển sản phẩm, chuẩn bị kỹ kế hoạch xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm phẩm hàng hóa để đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn về hàng hóa mà các nước nhập khẩu đặt ra.
Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ địa phương và Hiệp hội ngành hàng trong việc đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng ra thị trường ngoài nước, góp phần bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ phát triển xuất khẩu, hạn chế tối đa việc hàng nhái, hàng giả được mang đi xuất khẩu.
Ở góc độ doanh nghiệp, để triển khai và tận dụng hiệu quả các giải pháp xúc tiến thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững cho hàng hóa Việt Nam, ông Lê Hoàng Tài khuyến cáo các doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động xúc tiến thương mại để đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt các thị trường có FTA.
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển sản phẩm, chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan...;
Chuẩn bị kỹ kế hoạch xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu, chủ động liên kết giữa doanh nghiệp – doanh nghiệp nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong việc đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu;
Tập trung đào tạo nhân lực có ngoại ngữ, kỹ năng đàm phán xúc tiến thương mại, có khả năng nắm bắt xu hướng tiêu dùng hiện đại, biết cập nhật công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu sang thị trường quốc tế một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.