Tiêu hao năng lượng ngành công nghiệp vẫn cao
Tại Diễn đàn công nghệ và năng lượng Việt Nam 2022 mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, từ năm 2003, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả được xem là những nội dung quan trọng trong chính sách phát triển năng lượng của Việt Nam.
![]() |
Bộ Công Thương đã xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng cho 7 lĩnh vực sản xuất công nghiệp |
Cho đến nay đã có nhiều quy định được ban hành ở nhiều cấp như Luật, Nghị định, thông tư, quyết định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, trong đó đề cập tới nội dung về công nghệ và sự cần thiết ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong phát triển năng lượng.
Với lĩnh vực năng lượng, theo các khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện tuabin hơi đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28% đến 36%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 8 - 10%.
Hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% năm 2010, và được nâng lên xấp xỉ 70% vào thời điểm hiện nay nhưng mức này vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 10% và nếu so với các nước phát triển thì còn thấp hơn nữa.
"Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp của nước ta cao hơn khoảng 1,3 đến 1,6 lần với các nước trong khu vực và cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển", Thứ trưởng Trần Văn Tùng nêu.
Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cả nước có hơn 2.900 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm nhưng tiêu thụ tới 33% tổng lượng điện toàn quốc. Ngành công nghiệp chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc.
Tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng
Để tránh lãng phí năng lượng tại các doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, Chính Phủ, Bộ Công Thương đã có những quy định và chế tài cụ thể như: Yêu cầu cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm lập kế hoạch sử dụng hàng năm và 5 năm, báo cáo Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thông qua các Sở Công Thương cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt cơ sở.
Đồng thời cơ sở trọng điểm phải có trách nhiệm xây dựng và duy trì hiệu quả sử dụng năng lượng, bổ nhiệm người quản lý năng lượng là những người được cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ Công Thương và tiến hành kiểm toán năng lượng ít nhất 1 lần trong vòng 3 năm. Trên cơ sở báo cáo có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tiết kiệm năng lượng và các giải pháp về tiết kiệm năng lượng theo khuyến nghị báo cáo kiểm toán năng lượng của Bộ Công Thương.
Hiện, Bộ Công Thương đã xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng cho 7 lĩnh vực sản xuất công nghiệp như: hoá chất, thép, bia - rượu - nước giải khát, giấy và bột giấy, ngành nhựa, chế biến thuỷ hải sản và mía đường. Sắp tới sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng định mức quy chuẩn để áp dụng với một số ngành nữa, bao gồm: da giày, chế biến thực phẩm, dệt may. Đồng thời phối hợp với Bộ xây dựng để xây dựng quy chuẩn định mức tiêu thụ năng lượng đối với một số ngành sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng như ngành xi măng, ngành sản xuất kính.
Ông Mã Khai Hiền – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng cho hay ngay từ bây giờ, phải hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn, bền vững hơn. Đặc biệt, các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng nhiều như xi măng, sắt thép,… cần phải áp dụng triệt để các giải pháp tiết kiệm năng lượng để cắt giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống.
Nhà nước phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp và cả người dân tuân thủ, thực hiện tiết kiệm năng lượng; đồng thời có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi hoặc thưởng cho doanh nghiệp đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đoàn Kết- Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết, số liệu thống kê gần nhất cho thấy mức sử dụng điện năng phục vụ cho chiếu sáng chiếm gần 30% trong tổng sản lượng điện năng. Theo đó, Rạng Đông - doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm chiếu sáng xác định cần phải ứng dụng công nghệ để cung cấp ra thị trường những sản phẩm tiết kiệm điện.
Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) khẳng định, hiện nay, Bộ Công Thương được giao rà soát, sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả để trình Quốc hội trong quý IV/2022. Dự kiến, Luật sẽ được sửa theo hướng nâng cao hiệu lực của Luật, mở rộng đối tượng, chuyển nhiều đối tượng sang dạng bắt buộc. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ trình Quốc hội sửa luật theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP) đặt mục tiêu tiết kiệm từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030. Các cơ quan hữu quan cũng đang tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. |