Cơ hội xuất khẩu đồ gỗ tại Hoa Kỳ và Hàn Quốc

17:17 | 25/10/2022 In bài biết
Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ trong tháng 9/2022 tăng 56,5% so với tháng 9/2021.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ trong tháng 9/2022 đạt 573,6 triệu USD, tăng 56,5% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ đạt 6,8 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên sức ép lạm phát buộc người tiêu dùng Hoa Kỳ phải thắt chặt chi tiêu, do đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng không thiết yếu nên nhu cầu đối với mặt hàng này chậm lại.

Cơ hội xuất khẩu đồ gỗ tại Hoa Kỳ và Hàn Quốc - Ảnh 1.
Tới đây triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tới Hoa Kỳ khả quan hơn do yếu tố chu kỳ - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Trong 8 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam tới Hoa Kỳ đạt 5,5 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2021, tỉ trọng xuất khẩu chiếm 87,93% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ. Với trị giá chiếm tỉ trọng lớn, nên mức giảm của mặt hàng này sẽ làm giảm trị giá xuất khẩu chung của mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ tới Hoa Kỳ.

Bộ Công Thương đánh giá trong những tháng tới, mặc dù triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tới Hoa Kỳ khả quan hơn do yếu tố chu kỳ, khi mùa xây dựng nhà ở được hoàn thiện và nhu cầu đối với các sản phẩm nội thất tăng theo, nhưng việc xuất khẩu vẫn gặp nhiều rào cản. Cụ thể, tình hình lạm phát vẫn gia tăng tại Hoa Kỳ, cùng với xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, khiến giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, kéo theo chi phí của doanh nghiệp tăng mạnh. Cùng với đó là bất lợi về tỉ giá với các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch; tác động từ tình hình kinh tế, lạm phát, những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu…

Một thị trường khác được Bộ Công Thương đánh giá còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác là thị trường Hàn Quốc.

Hiện nay, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 2 cho Hàn Quốc, tuy nhiên lượng và trị giá giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm 2022. Tỉ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 16,3% tổng lượng nhập khẩu.

Trong đó, nhập khẩu ghế khung gỗ từ Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn nhất; tiếp theo là đồ nội thất phòng ngủ chiếm 4,2%; đồ nội thất phòng khách và phòng ăn chiếm 3,2%; tỉ trọng nhập khẩu 2 mặt hàng đồ nội thất văn phòng và nhà bếp ở mức rất thấp, chỉ chiếm 0,6% và 2,2% tổng lượng nhập khẩu 2 mặt hàng này của Hàn Quốc trong 8 tháng đầu năm 2022.

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/co-hoi-xuat-khau-do-go-tai-hoa-ky-va-han-quoc-234347.html