Để gỡ khó cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

17:18 | 25/10/2022 In bài biết
Tại Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng của Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) mới đây, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành đã được đề xuất.

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hansiba cho biết, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đang gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc đầu tư, xây dựng phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP. Hà Nội còn khó khăn hơn do chi phí thuê mặt bằng sản xuất, nhân công và một số dịch vụ khác tăng cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa tiếp cận được các chính sách ưu đãi do vướng mắc trong khâu thực hiện.

Xuất phát từ thực tế, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ sớm xây dựng Luật Phát triển công nghiệp và trình Quốc hội ban hành trong nhiệm kỳ này. Đồng thời, cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế để phát triển từng lĩnh vực cụ thể trong ngành công nghiệp hỗ trợ, tránh tình trạng tỉnh nào cũng đua nhau phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm hạn chế việc lãng phí nguồn lực đầu tư của cả Nhà nước và doanh nghiệp.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 1.
Các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đang gặp rất nhiều khó khăn

Hansiba cũng đề xuất, cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn gồm lãi suất và thời gian, hạn mức vay… do hiện nay các quy định về điều kiện vay vốn của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa thật phù hợp. Có thể nghiên cứu thành lập quỹ tài chính riêng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ dưới dạng quỹ mở để thu hút nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước.

Ngoài ra, có thể nghiên cứu cho phép các doanh nghiệp tư nhân thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao được tiếp cận vay vốn ODA để đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài để có khả năng sản xuất, liên kết tham gia chuỗi sản xuất, giá trị toàn cầu. Nghiên cứu thành lập các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc nhà nước cổ phần với các doanh nghiệp tư nhân để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ then chốt phục vụ dân sinh và quốc phòng. Sau khi thành công có thể sẽ bán đấu giá các công ty 100% vốn nhà nước này cho tư nhân quản lý.

Cùng với đó, cần tập trung nâng cao hoạt động kết nối các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn đang có mặt tại Việt Nam nhằm thúc đẩy việc các ông lớn FDI có thể "kèm cặp", đặt hàng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước nhằm thúc đẩy sự phát triển và hiện đại hóa ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/de-go-kho-cho-doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-234346.html