Cây dong riềng được trồng tập trung ở các huyện miền núi Thanh Hóa như: Như Thanh, Như Xuân, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy... Hiện nay, phần lớn cây dong riềng được phát triển theo chuỗi liên kết từ trồng đến chế biến sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao. Từ củ dong riềng, nhiều hợp tác xã (HTX), hộ gia đình tại vùng núi Thanh Hóa đã xây dựng thành công sản phẩm miến dong với nhiều thương hiệu khác nhau, như: Miến dong Hương Ngọc, xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc); miến dong Yên Lạc, xã Yên Lạc (Như Thanh); miến dong Đồi Ao, xã Cẩm Bình và miến dong Thuận Tâm, xã Cẩm Liên (Cẩm Thủy). Nhiều sản phẩm miền dong đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
![]() |
Hình thành vùng nguyên liệu dong riềng tập chung |
Tại huyện Như Thanh, cây dong riềng được người dân xã Yên Lạc trồng rải rác trong vườn nhà, trên sườn đồi... Bà con cho biết, cây dong riềng rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây và cho năng suất cao. Đến nay, trên địa bàn xã Yên Lạc đã phát triển được 11,5 ha cây dong riềng nguyên liệu phục nhu cầu sản xuất miến dong của các hợp tác xã.
Để chủ động nguồn nguyên liệu, một số hợp tác xã như HTX Dịch vụ nông nghiệp và thương mại Yên Lạc đã vận động bà con chuyển đổi diện tích đồi sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dong riềng. Hợp tác xã cam kết hỗ trợ 50% tiền cây giống và hướng dẫn các hộ dân từ khâu chọn đất, chọn giống đến khâu thu hoạch. Để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chế biến, hợp tác xã đã đầu tư dây chuyền chế biến dong riềng lấy tinh bột làm nguyên liệu sản xuất miến dong với công suất 40 tấn/năm.
Hiện sản phẩm miến dong của HTX Yên Lạc đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sản phẩm được tiêu thụ tại hơn 20 điểm kinh doanh trong huyện, tỉnh và xuất bán sang các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Kon Tum... Thời gian tới, HTX sẽ đầu tư nâng công suất dây chuyền chế biến dong riềng lên 80 tấn tinh bột/năm. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ đối với những hộ dân mở rộng diện tích trồng dong riềng và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm để nâng cao thu nhập cho người dân.
![]() |
Bà con miền núi thu hoạch dong riềng |
Nhằm xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn và nguồn gốc xuất xứ cho nghề làm miến dong truyền thống, huyện Cẩm Thủy đã xây dựng thí điểm mô hình trồng dong rềng nguyên liệu tại 2 xã Cẩm Bình và Cẩm Liên. Ngoài được hỗ trợ giống dong rềng bảo đảm chất lượng và năng suất, được tập huấn chuyển giao kỹ thuật, quy trình chăm sóc, thu hoạch và chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, các hộ dân tham gia mô hình còn được hỗ trợ một phần kinh phí mua giống, phân bón và máy chế biến. Đến nay, xã Cẩm Bình đã thành lập HTX sản xuất miến dong với quy trình khép kín từ gieo trồng đến hoàn thiện sản phẩm.
Huyện Cẩm Thủy đang định hướng quy hoạch vùng trồng nguyên liệu lớn để sản xuất miến dong sạch. Đồng thời, nghiên cứu, quy hoạch các vùng có thổ nhưỡng phù hợp với điều kiện sinh trưởng của cây dong riềng nhằm định hướng bà con chuyển đổi sản xuất, mở rộng diện tích phát triển cây dong riềng theo chuỗi giá trị.
Nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho các HTX, cơ sở sản xuất miến dong, các địa phương đã khuyến khích người dân tích tụ, tập trung đất đai hình thành vùng sản xuất cây dong riềng nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong chế biến nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, bảo đảm vệ sinh, môi trường.
Tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Toàn khu vực hiện có 7 dân tộc sinh sống, gồm: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao và Khơ Mú. |