Thanh Hóa: Xây dựng đề án phát triển các mô hình phát huy lợi thế khu vực miền núi

12:03 | 14/11/2022 In bài biết
Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đang xây dựng Đề án phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2025.

Đối tượng đề án hướng đến là các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ưu tiên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động; hộ sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn. Các doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số.

Phạm vi thực hiện của đề án tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 11 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy, Thạch Thành. Thời gian thực hiện cho giai đoạn 2022 - 2025.

Mục tiêu của đề án hướng đến là hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với từng vùng, miền theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát huy tính lợi thế của miền núi. Qua đó, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân miền núi so với miền xuôi.

Đến năm 2025 sẽ phát huy được 43 đối tượng cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm lợi thế để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với từng vùng, miền; khai thác tiềm năng lợi thế của khu vực miền núi. Tạo sinh kế, việc làm cho khoảng 3.000 hộ gia đình khu vực miền núi của tỉnh (hộ gia đình làm chủ mô hình và lao động thuộc hộ nghèo làm công thường xuyên từ các mô hình). Xây dựng thương hiệu và công nhận từ 11 sản phẩm OCOP trở lên.

Thanh Hóa: Xây dựng đề án phát triển các mô hình phát huy lợi thế khu vực miền núi

Phấn đấu xây dựng thương hiệu và công nhận từ 11 sản phẩm OCOP trở lên

Để thực hiện được mục tiêu trên, đề án cũng đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện với 43 đối tượng mô hình, trong đó: Mô hình Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị 09 đối tượng; mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế cộng đồng 34 đối tượng (theo Điều 11, Điều 12, Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính). Nguồn vốn thực hiện đề án là hơn 230 tỷ đồng.

Trong giai đoạn trước, Thanh Hóa đã thực hiện Đề án “Phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế phát triển trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Với các chính sách khuyến khích phát triển cây trồng, vật nuôi của tỉnh, từ năm 2014 đến nay, tình hình chăn nuôi gia súc ở các huyện miền núi phát triển mạnh, tạo sự chuyển biến tốt về chất lượng đàn; hình thức tổ chức sản xuất ngày càng rõ nét, có xu thế chuyển sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao (nhất là phát triển trang trại); chăn nuôi nông hộ ngày càng nâng cao hiệu quả theo hướng an toàn, bền vững; chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm vật tư đầu vào và sản phẩm chăn nuôi được quản lý chặt chẽ hơn; từng bước áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất chăn nuôi, tạo ra giá trị kinh tế cho người chăn nuôi.

Thanh Hóa: Xây dựng đề án phát triển các mô hình phát huy lợi thế khu vực miền núi
Cuộc sống của bà con các huyện miền núi Thanh Hóa ngày càng khởi sắc

Các loại cây trồng có lợi thế phát triển trên địa bàn các huyện miền núi được quan tâm, nhiều mô hình đã xây dựng được hệ thống quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý; xây dựng hệ thống các phương tiện phục vụ quản lý chỉ dẫn địa lý. Hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP.

Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm lợi thế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của các huyện miền núi. Phần lớn các sản phẩm đầu ra vẫn là sơ chế, chưa được chế biến sâu, chưa có thương hiệu; thị trường tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn. Việc liên kết sản xuất chưa thật sự bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế; nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển các sản phẩm có lợi thế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa bàn các huyện miền núi.

Lê Hoàng

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/thanh-hoa-xay-dung-de-an-phat-trien-cac-mo-hinh-phat-huy-loi-the-khu-vuc-mien-nui-234061.html