Từ cây măng rừng mọc ở khắp núi rừng biên giới, đồng bào miền núi xã Thượng Trạch đã hái về tạo ra sản phẩm măng tươi, măng khô dự trữ ăn dần. Ban đầu, một vài hộ đã gửi sản phẩm măng khô đến một số siêu thị, cửa hàng giới thiệu nông sản sạch và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.
Kỳ vọng tạo sinh kế lâu dài, bền vững cho bà con, chính quyền xã Thượng Trạch đã thành lập Hợp tác xã Cà Roòng nhằm hỗ trợ bà con trong khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm măng khô.
![]() |
Măng khô Cà Roòng – sản phẩm OCOP 3 sao |
Qua nghiên cứu xác định lợi thế địa phương, Hợp tác xã Cà Roòng xác định, nếu biết áp dụng khoa học kỹ thuật, quản lý tốt quy trình sản xuất, nâng cao giá trị sử dụng mà vẫn giữ nguyên được các giá trị thơm, ngon, giòn, ngọt thì măng khô là sản phẩm giúp người dân trên địa bàn xã Thượng Trạch xóa đói, giảm nghèo thực sự. Vì vậy, Hợp tác xã đã đầu tư máy móc sản xuất, sấy ép, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng bao bì, nhãn mác nhằm xây dựng thương hiệu.
Các thành viên của hợp tác xã cùng với các hộ gia đình cung cấp măng trên địa bàn toàn xã đã được chia thành các nhóm chính: Nhóm khai thác; nhóm sơ chế và chế biến; nhóm hoàn thiện và đóng gói sản phẩm. Các nhóm hoạt động khoa học và phối hợp ăn ý nhau đã giúp hợp tác xã tiết kiệm được thời gian, chi phí sản xuất, tiếp thị sản phẩm… Đặc biệt, từ khi có hợp tác xã, cách nghĩ và tư duy làm kinh tế hộ gia đình của bà con cũng thay đổi nhiều.
Với quy trình khai thác, sơ chế và chế biến bằng công nghệ sấy chuyên dụng, bảo quản theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm kết hợp với các bí quyết truyền thống trong sơ chế, chế biến của người Ma Coong, ngay khi đưa ra thị trường, sản phẩm măng khô rừng Cà Roòng được đón nhận tích cực. Nhất là khi địa phương đã đầu tư xây dựng thương hiệu và nỗ lực xây dựng măng khô thành sản phẩm OCOP. Không phụ lòng người, năm 2021, sản phẩm măng rừng sấy khô Cà Roòng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Bình.
![]() |
Măng được chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm |
“Tấm giấy thông hành” OCOP 3 sao đã mở ra hướng sinh kế mới cho đồng bào Ma Coong nơi miền biên viễn Quảng Bình. Hiện nay, mỗi ngày, Hợp tác xã Cà Roòng thu mua từ 300 - 600 kg măng tươi của người dân trên địa bàn để chế biến măng khô. Với giá thu mua 4.000 đồng/kg măng tươi và 400.000 đồng/kg măng khô, bà con đã có nguồn thu nhập tương đối ổn định từ cây măng.
Có thể khẳng định, mô hình măng khô Cà Roòng đã tạo sinh kế mới cho bà con dân tộc Ma Coong vùng biên giới Thượng Trạch, góp phần hỗ trợ, hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là Sở Công Thương Quảng Bình trong việc hỗ trợ máy móc thiết bị, hi vọng trong thời gian tới, sản phẩm măng khô Cà Roòng sẽ “bay” cao hơn, xa hơn.