Để ổn định đầu ra cho sầu riêng, những năm qua, huyện Khánh Sơn đã tổ chức các lễ hội trái cây, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, tìm hướng xuất khẩu chính ngạch đi các thị trường, trong đó có Trung Quốc. Định hướng tiêu thụ sầu riêng Khánh Sơn theo con đường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã có những tín hiệu đầu tiên khi vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố danh sách mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam để được xuất khẩu sang nước này.
![]() |
Đóng gói sầu riêng xuất khẩu |
Trong đó, Khánh Hòa có 3 vùng trồng sầu riêng tại Khánh Sơn được cấp mã số, gồm: Vùng trồng của 10 hộ thuộc Tổ hợp tác Trái cây Ba Cụm Bắc; vùng trồng của 17 hộ thuộc Tổ hợp tác Trái cây Sơn Bình; vùng trồng của gia đình ông Nguyễn Hữu Đức ở xã Ba Cụm Bắc. Ngoài ra, Công ty Vạn Hòa là 2 trong 25 cơ sở đóng gói của Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp nhận và cho phép xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Đây là tiền đề quan trọng góp phần bảo vệ thương hiệu sầu riêng của huyện trong quá trình lưu thông tiêu thụ trên thị trường, đặc biệt là xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tránh tình trạng lợi dụng nhãn hiệu, trà trộn sản phẩm của các địa phương khác vào vùng trồng đã được cấp mã số.
Lãnh đạo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc, mà còn gắn sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm... Việc cấp mã số vùng trồng sầu riêng còn góp phần bảo vệ nhãn hiệu, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản khi tham gia thị trường xuất khẩu. Khi được cấp mã số vùng trồng, các sản phẩm sẽ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, độ an toàn và giúp các đơn vị tiêu thụ dễ dàng kết nối hơn.
Hiện Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng giữa UBND huyện Khánh Sơn với Công ty Vạn Hòa (TP. Hồ Chí Minh). Qua liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình trồng sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng trên địa bàn huyện miền núi Khánh Sơn có chuỗi liên kết và bao tiêu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Từ đó, góp phần tạo nên kênh tiêu thụ ổn định cho sản phẩm sầu riêng của huyện miền núi này.
![]() |
Sầu riêng Khánh Sơn bày bán tại các lễ hội, hội chợ... |
Sầu riêng là sản phẩm chủ lực của Khánh Sơn, đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp. Năm 2019, sầu riêng Khánh Sơn được bình chọn là Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam. Đến nay, diện tích sầu riêng ở Khánh Sơn có hơn 2.100 ha, sản lượng đạt hơn 12.000 tấn. Thời gian qua, nhằm bảo vệ và phát triển thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn, địa phương đã tăng cường phổ biến các quy định về quản lý, giám sát vùng trồng đã được cấp mã, giúp cho các chủ thể triển khai quy trình sản xuất đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn vùng trồng tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc.
Nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các chủ thể sản xuất, hiện Khánh Sơn tiếp tục vận động, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đối với các chủ thể hợp tác xã, tổ hợp tác chưa được cấp mã số vùng trồng, tiếp tục đăng ký. Đồng thời, định hướng phát triển, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký cấp mã số vùng trồng và quản lý giám sát vùng trồng; giải quyết đầu ra, nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm nông sản trên địa bàn.
Một số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng Khánh Sơn đã được cấp mã số để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là cơ sở để nâng cao giá trị của thương hiệu sầu riêng của địa phương. |