Xuất khẩu sang Bắc Âu: Cầu nối từ EVFTA

21:52 | 24/11/2022 In bài biết
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được coi là một chất xúc tác quan trọng để đưa hàng hóa sang thị trường Bắc Âu.
Để nông sản Việt Nam tăng tốc xuất khẩu vào Bắc Âu Để nông sản Việt Nam tăng tốc xuất khẩu vào Bắc Âu
Tìm cơ hội xuất khẩu nông sản sang Bắc Âu Tìm cơ hội xuất khẩu nông sản sang Bắc Âu

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng

Chia sẻ về cơ hội khai thác thị trường Bắc Âu nhờ EVFTA, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu chia sẻ, thị trường Bắc Âu tuy là thị trường nhỏ, địa lý xa xôi nhưng lại có thu nhập đầu người cao nhất thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng (400-500 tỷ USD/năm), nhập khẩu luôn tăng trưởng ổn định.

Xuất khẩu sang Bắc Âu: Cầu nối từ EVFTA
Nông sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực xuất khẩu sang Bắc Âu

Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu đạt khoảng 2,85 tỷ USD và 9 tháng đầu năm 2022, con số này là 2,4 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Bắc Âu đạt 1,7 tỷ USD, tăng 25%. So với các nước ASEAN, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu nhiều nhất sang Bắc Âu, nhưng thị phần cũng chỉ chiếm 1%.

Riêng nông sản, hiện có 4 mặt hàng nông sản của Việt Nam nằm trong 50 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng tại Thụy Điển, trong đó, cà phê chưa rang, chưa khử caffein đứng thứ 2, hạt điều đã bóc vỏ đứng thứ 13, gạo đã xát toàn bộ hoặc sơ bộ đứng thứ 25, và hạt tiêu nguyên hạt đứng thứ 45.

Đơn cử, với mặt hàng cà phê chưa rang, chưa khử caffein (HS090111): Việt Nam xuất khẩu 2,5 tỷ USD năm 2021. Thụy Điển là nước tiêu thụ cà phê tính trên đầu người đứng thứ 6 thế giới, trung bình 8,2kg/người/năm, chủ yếu xếp sau mấy nước láng giếng như Phần Lan số 1, Na Uy thứ hai, Đan Mạch thứ tư. Hàng năm, Thụy Điển nhập khẩu 305 triệu USD cà phê nhưng nhập khẩu từ Việt Nam mới khoảng 5,3 triệu USD. Cung có, cầu có, thuế bằng 0%. Do vậy, theo tính toán của Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC, tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vào Thụy Điển vẫn còn dư địa khoảng 160 triệu USD. Hoặc với mặt hàng gạo đã xát toàn bộ hoặc 1 phần (HS100630) tiềm năng có thể khai thác thêm 16 triệu USD nữa.

“Gạo là mặt hàng đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng tại Thụy Điển trong thời gian qua. Nếu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường này chỉ đạt 44.000 USD, thì tới năm 2021, kim ngạch đã tăng lên hơn 2,7 triệu USD”, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy chỉ rõ.

Bí quyết chiếm lĩnh thành công thị trường Bắc Âu

Để chiếm lĩnh thành công thị trường Bắc Âu, bà Nguyễn Hoàng Thúy chia sẻ, vấn đề bảo vệ môi trường, tiêu dùng xanh, sản xuất bền vững luôn là chủ đề rất nóng trong hầu hết tất cả các diễn đàn tại Bắc Âu. Xu hướng này ảnh hưởng rất lớn đến hành vi người tiêu dùng vốn đã quan tâm đến môi trường, nay càng được quan tâm hơn sau đại dịch.

Một nghiên cứu của tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cho thấy, lượng khí thải từ chăn nuôi chiếm tới 17% tổng lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính tại EU, gây hại hơn tất cả các loại ô tô đang lưu hành tại châu lục.

Do vậy, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tiêu thụ sản phẩm hữu cơ với phương pháp sản xuất ít tác động tới môi trường, giảm tiêu thụ thịt, tăng tiêu thụ thủy sản và các sản phẩm thay thế thịt. Các sản phẩm từ thực vật với hàm lượng protein cao vì thế cũng được đón nhận.

“Hiện sản phẩm mít xanh đóng hộp đang được nhiều doanh nghiệp Bắc Âu tìm kiếm, đây lại là sản phẩm rất nhiều ở Việt Nam mà chúng ta có thể khai thác. Đó là ví dụ cho thấy những sản phẩm thực phẩm giàu protein dùng để thay thế thịt đang được đón nhận và người tiêu dùng Bắc Âu lựa chọn sản phẩm này chỉ để bảo vệ môi trường. Giới trẻ ở khu vực Bắc Âu hiện ăn chay rất nhiều”, bà Thúy cho biết.

Cũng theo bà Thúy, với các sản phẩm sinh hoạt, người Bắc Âu ưa chuộng những món đồ đơn giản, tiện dụng, có thể sử dụng được nhiều lần và dùng các nguyên liệu tái chế. Hiện nhiều nước EU bắt đầu cấm sử dụng các sản phẩm dùng một lần như thìa, dĩa, cốc nhựa… Vì vậy, nếu doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang khu vực này cần lưu ý trong việc đóng gói, thiết kế bao bì.

“Chúng tôi thường nói rằng, người tiêu dùng Bắc Âu thậm chí quan tâm đến bao bì, nhãn mác còn hơn chính sản phẩm. Tôi ở Bắc Âu một thời gian cũng đã hình thành thói quen khi đi chợ đều đọc rất kĩ nhãn mác xem sản phẩm có thân thiện môi trường hay không, có phải là sản phẩm hữu cơ hay không. Do đó, những sản phẩm dán nhãn sinh thái sẽ được đón nhận rất tích cực ở Bắc Âu”, vị tham tán cho biết.

Theo bà Thúy, các doanh nghiệp khi đi sau cần tìm ra hướng mới, “đánh” vào các thị trường “ngách” ở Bắc Âu. Ví dụ đa phần các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cho người thuận tay phải, nhưng một doanh nghiệp tại San Francisco (Mỹ) khai thác thị trường “ngách” chiếm 10% là sản xuất sản phẩm cho người thuận tay trái, và họ rất thành công.

Hay hiện ở Bắc Âu đang ủng hộ những người thuộc giới tính thứ 3, đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm như trang phục, phụ kiện cho nhóm khách hàng này. Hoặc câu chuyện của IKEA là minh chứng thành công cho việc sản xuất sản phẩm nội thất giúp khách hàng tự lắp đặt tại nhà.

Phương Lan

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/xuat-khau-sang-bac-au-cau-noi-tu-evfta-233878.html