![]() | Khoảng 146 nghìn việc làm cho giai đoạn 2022-2025 từ Hiệp định EVFTA |
![]() | Giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ Hiệp định EVFTA |
Cơ hội và thách thức
Tại tọa đàm “Xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu Việt sang các thị trường trong EVFTA” diễn ra chiều 25/11, ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp, trong 8 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu đạt 4,29 tỷ Euro, tăng 16% so với 2021 và tăng 20% so với 2020. Dự kiến trong năm 2022, Việt Nam sẽ lần đầu tiên đạt mốc xuất khẩu sang Pháp trên 6 tỷ Euro.
Tuy hàng hóa Việt Nam rất đa dạng và có vị trí cao tại Pháp, tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, hàng hóa vẫn còn tập trung nhiều vào một số các mặt hàng chủ đạo. Những mặt hàng tưởng chừng như thế mạnh như hàng nông sản, thực phẩm vẫn chưa có nhiều. Vì vậy, tiềm năng để hàng Việt chinh phục thị trường còn rất nhiều.
![]() |
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang EU |
Thừa nhận số lượng thương hiệu Việt Nam tại EU còn hết sức khiêm tốn so với tiềm năng, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU mới chỉ chiếm 2% thị phần.
Điều đó có nghĩa là, trong một “chiếc bánh” rất to, hàng hóa của Việt Nam mới chiếm một phần nhỏ bé, còn dư địa rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác, đẩy mạnh xuất khẩu.
Dưới góc độ doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu sang EU, ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) cho rằng, xuất khẩu sang châu Âu yêu cầu rất khắt khe về chất lượng. Muốn xuất khẩu hàng vào châu Âu phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng. Ngoài ra, vấn đề quảng bá sản phẩm, bao bì, nhãn mác cần phù hợp với văn hóa địa phương… Do đó, bên cạnh vai trò hỗ trợ của cơ quan thương mại Việt Nam tại nước ngoài, doanh nghiệp phải có sự đầu tư mới có thể xâm nhập được thị trường. Không thể đi bằng “phương tiện thô sơ” trên “đường cao tốc”.
Cần sự nỗ lực của cơ quan chức năng và doanh nghiệp
Bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK) chỉ ra, người tiêu dùng EU nói chung rất kỹ tính, nhưng họ lại cũng rất trung thành với các sản phẩm có thương hiệu và họ có nhu cầu rất cao tìm hiểu về thông tin các sản phẩm, những yếu tố liên quan từ bao bì, cách đóng gói sản phẩm luôn được đề cao vấn đề về yếu tố môi trường, thân thiện với môi trường.
Hiến kế cho hàng Việt Nam tận dụng tốt hơn EVFTA để thâm nhập vào thị trường EU, bà Đào Thu Trang cho rằng, các cơ quan chức năng nên tổ chức thêm các khoá đào tạo nguồn nhân lực, nghề nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp ở Việt Nam có thể sản xuất và đảm bảo quy trình sản xuất theo đúng những tiêu chuẩn của EU đặt ra.
Nhận thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu hàng hóa ở thế bị động, ông Vũ Anh Sơn khuyến cáo, các doanh nghiệp cần phải làm rõ khái niệm và tập trung xây dựng thương hiệu theo từng ngành hàng cụ thể. Ví dụ như quần áo và giày dép rất khó cạnh tranh bằng thương hiệu Việt Nam, cho nên chỉ hướng đến những ngành có thế mạnh có thể khai thác được như nông nghiệp, thủy sản… mới có sức cạnh tranh ở EU.
Nhấn mạnh về những giải pháp hỗ trợ đồng hành với các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU nói chung cũng như là thị trường xuất khẩu nước ngoài nói riêng, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tập trung vào những nhóm, mặt hàng đủ năng lực để bứt phá ở thị trường châu Âu để ưu tiên đẩy mạnh trọng tâm hỗ trợ. Qua đó xây dựng được những cánh chim đầu đàn trong việc phát triển thương hiệu; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho rằng, khi doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường EU, cần tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp nhiều hơn để cùng nhau phát triển những thương hiệu cho những nhóm sản phẩm, thay vì cạnh tranh lẫn nhau như như hiện nay.
Để phát triển được thương hiệu tại EU, theo bà Thủy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú trọng nghiên cứu kỹ về thị trường, xem thị trường có nhu cầu như thế nào, có những yêu cầu ra sao, từ đó sản xuất được những sản phẩm thị trường đang cần chứ không phải bán những thứ doanh nghiệp đang có.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy đối với việc kinh doanh tại thị trường EU, phải thấu hiểu văn hóa của thị trường cũng như các tập quán kinh doanh. Sản phẩm ngoài việc hợp nhãn với người tiêu dùng EU cũng cần mang những bản sắc của Việt Nam nhằm giúp định vị thương hiệu của doanh nghiệp tốt hơn ở thị trường này.
Trong quá trình làm việc với các đối tác EU, doanh nghiệp phải lưu ý trung thực, đảm bảo ổn định về khả năng cung ứng hàng hóa và chất lượng sản phẩm; đồng thời lưu tâm đến việc tìm kiếm những người uy tín ở thị trường này để giới thiệu và lan tỏa sản phẩm của doanh nghiệp. Đó là các doanh nhân Việt kiều và các chuyên gia về thị trường tại EU.