Thực thi Hiệp định CPTPP, tránh bất lợi về điều tra phòng vệ thương mại

23:02 | 28/11/2022 In bài biết
Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam nhưng cũng có không ít những thách thức, rủi ro về việc bị điều tra và áp dụng phòng vệ thương mại.
Thách thức nào khi tham gia Hiệp định CPTPP? Thách thức nào khi tham gia Hiệp định CPTPP?
Những lợi ích khi tham gia Hiệp định CPTPP Những lợi ích khi tham gia Hiệp định CPTPP

Rủi ro lớn từ các vụ điều tra phòng vệ thương mại

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện trong số các thành viên CPTPP, có nhiều quốc gia sử dụng công cụ phòng vệ thương mại thường xuyên như Canada, Mexico, Australia, Malaysia… “Thách thức ở đây là tham gia CPTPP sẽ giúp hàng xuất khẩu của chúng ta tăng trưởng nhanh, tuy nhiên, xu thế các nước gia sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ gây áp lực cho các doanh nghiệp”- ông Trung nhấn mạnh.

Trong trường hợp gặp phải các cuộc điều tra, ông Chu Thắng Trung cho rằng, nếu ta không có cách xử lý phù hợp thì có thể dẫn đến hậu quả doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp thuế phòng vệ thương mại cao, làm triệt tiêu lợi ích.

Thực thi Hiệp định CPTPP, tránh bất lợi về điều tra phòng vệ thương mại
Thép là mặt hàng đối diện nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại

Thép là một trong các mặt hàng thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại. Bà Trang Thu Hà, Chánh văn phòng Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, tăng trưởng xuất khẩu của mặt hàng này thời gian qua rất nhanh. Cụ thể, trong 10 năm trở lại đây, ngành thép Việt Nam cũng có những bước phát triển vượt bậc, với tăng trưởng bình quân 10%/năm. Riêng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 14 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm với kim ngạch xuất khẩu hơn 12 tỷ USD, tính riêng 10 tháng 2022, thép xuất khẩu đạt hơn 7,3 triệu tấn với hơn 7,4 tỷ USD.

Theo đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam, nguyên nhân thép bị điều tra phòng vệ thương mại là do chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu gia tăng không chỉ với ngành thép mà với tất cả các ngành. Mặt khác, do thép là đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất nội địa nên nhìn chung chính sách của đa số các nước đều cố gắng bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển ngành sản xuất thép trong nước để nâng cao giá trị gia tăng mà nền kinh tế tạo ra và có thêm việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, với việc Việt Nam ký kết một loạt FTA song phương, đa phương, thế hệ mới và mở cửa thị trường, nhiều mặt hàng trong đó có sắt thép sẽ có mức thuế về 0%, dẫn tới các nước tìm các biện pháp khác (ngoài thuế nhập khẩu) nhằm hỗ trợ ngành sản xuất nội địa của mình. Cùng với đó, các nước thường có xu hướng kiện domino, nên hàng hoá của Việt Nam thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ…

Chủ động ứng phó

Thời gian qua, dù hiểu biết của doanh nghiệp thép về phòng vệ thương mại đã được củng cố tuy nhiên vẫn còn hạn chế về khả năng dự đoán, nắm bắt thông tin sớm. Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cũng nhận định, năng lực ứng phó của doanh nghiệp trong ngành này còn nhiều bất cập, một phần do nguồn lực của doanh nghiệp.

Theo bà Trang Thu Hà, ngành thép của chúng ta hiện nay có một số doanh nghiệp lớn nhưng đa phần vẫn là các doanh nghiệp nhỏ. Do đó sự hiểu biết của những doanh nghiệp hạn chế, cũng như khả năng tham gia vào các vụ việc rất khó khăn, nên gặp bất lợi khi tiếp cận thông tin và theo đuổi vụ việc.

Trước xu thế bảo hộ hiện nay, nhất là các thị trường CPTPP gia tăng sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại, vì thế đại diện Cục Phòng vệ thương mại mong muốn các doanh nghiệp nhận thức được ngay từ đầu để có biện pháp chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra, tận dụng cơ hội CPTPP mang lại, đảm bảo phát triển xuất khẩu bền vững sang các thị trường CPTPP.

Mặt khác, để xử lý hiệu quả việc điều tra phòng vệ thương mại có thể xảy ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước CPTPP, ông Chu Thắng Trung khuyến nghị, doanh nghiệp phải nắm được nguyên tắc cơ bản của việc điều tra áp dụng phòng vệ thương mại, qua đó sẽ giúp cho doanh nghiệp cần phải làm những gì.

Tuy nhiên, theo ông Chu Thắng Trung, doanh nghiệp cũng cần chú ý đa dạng hóa sản phẩm để tránh lệ thuộc vào một sản phẩm của một thị trường nhất định, nhằm đảm bảo nếu rủi ro xảy ra chúng ta có thể có những hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhau, đồng thời phân tán bớt rủi ro cho hoạt động xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, cố gắng cạnh tranh chất lượng, không cạnh tranh giá, hạn chế thấp nhất rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại. Duy trì hệ thống sổ sách chứng từ liên quan hoạt động giao dịch sản xuất, xuất khẩu, lưu trữ khoa học để phòng trường hợp xảy ra vụ việc điều tra chúng ta có thể chứng mình bằng chứng từ với cơ quan điều tra.

Với sự chủ động ứng phó của doanh nghiệp, ông Chu Thắng Trung nhấn mạnh, trong trường hợp bị điều tra phòng vệ thương mại thì cũng chưa chắc dẫn đến kết quả bất lợi.

Bảo Thoa

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/thuc-thi-hiep-dinh-cptpp-tranh-bat-loi-ve-dieu-tra-phong-ve-thuong-mai-233796.html