Hiệp định UKVFTA lực đẩy cho gỗ Việt xuất ngoại

12:29 | 29/11/2022 In bài biết
Ngay khi có hiệu lực, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) đã mở ra cơ hội thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Tận dụng lợi thế UKVFTA, đẩy mạnh khai thác thị trường Tận dụng lợi thế UKVFTA, đẩy mạnh khai thác thị trường
Hiệp định UKVFTA: Hai Hiệp định UKVFTA: Hai "đòn bẩy" lớn cho giao thương giữa Việt Nam - Anh

Xuất khẩu tăng trưởng khả quan

Hiệp định UKVFTA bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5/2021 và ngay trong năm 2021, thống kê từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ sang Anh đạt trên 256 triệu USD, tăng trên 18% so với năm trước đó.

Hiệp định UKVFTA lực đẩy cho gỗ Việt xuất ngoại
Xuất khẩu gỗ sang thị trường Anh đang có kết quả tích cực khi Hiệp định UKVFTA thực thi

Đáng chú ý, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chỉ ra, điều quan trọng là sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Anh có đến 92% là đồ mộc, đồ nội thất có giá trị. Kim ngạch xuất khẩu cao hơn so với sản phẩm gỗ được làm vật liệu trung gian cho các giai đoạn chế biến tiếp theo trong ngành công nghiệp gỗ.

Kết quả ấn tượng này, theo ông Ngô Sỹ Hoài là nhờ vào các lợi thế khi UKVFTA thực thi, đó là theo thỏa thuận, nhóm sản phẩm nội thất, tinh chế gỗ sau khi xuất khẩu vào Anh chịu mức thuế từ 1,2-2% sẽ được giảm dần trong những năm tới. Nhóm sản phẩm gỗ vật liệu trung gian có mức thuế từ 2-10% cũng sẽ giảm trong những năm tới.

Đến thời điểm hiện tại, ông Ngô Sỹ Hoài nhận định, sau hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam đã có chỗ đứng, trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ của thế giới. Ngành công nghiệp gỗ cũng phản chiếu được rõ nét những thách thức đặt ra để Việt Nam có thể tận dụng cơ hội mà các FTA mang lại.

Nỗ lực vượt thách thức

Dù có nhiều thuận lợi song doanh nghiệp gỗ cần phải nhận diện các thách thức đang đặt ra trong thời gian tới khi nỗ lực tiếp cận thị trường Vương quốc Anh. Trong đó, do Anh là thị trường bao gồm những khách hàng cuối cùng rất khó tính, mặt khác đây là quốc gia có ngành công nghiệp gỗ lâu đời. Đặc biệt, Anh là nước có những những yêu cầu rất nghiêm khắc đối với môi trường mà sản phẩm gỗ thì liên quan đến rừng - một yếu tố rất quan trọng đối với môi trường sống.

Đề cập đến thách thức trong tiếp cận thị trường anh, ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán thương mại tại Anh cũng cho hay, với quyết tâm gia nhập Hiệp định CPTPP, Anh sẽ mở của thị trường cho nhiều sản phẩm của 11 nước thành viên tham gia Hiệp định này để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho các sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp Anh. “Khi đó, nhiều sản phẩm Việt Nam, trong đó có sản phẩm gỗ tại thị trường Anh sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh đến từ các nước CPTPP”- ông Cường nói.

Ngoài ra, theo ông Cường, mặc dù Hiệp định UKVFTA đã chính thức có hiệu lực đầy đủ, các cam kết trong hiệp định về giảm thuế quan, mở cửa thị trường, hàng hoá, dịch vụ được mong đợi sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại song phương nhưng cũng không thể quá lạc quan kỳ vọng trong thời điểm bất ổn kinh tế chính trị của nước Anh hiện nay.

Trước bối cảnh đó, ông Ngô Sĩ Hoài cho rằng, nhìn chung có nhiều thách thức đối với doanh nghiệp gỗ Việt Nam, nhưng ông vẫn nhìn nhận Anh sẽ tạo nên được hiệu ứng lan tỏa nếu Việt Nam duy trì được tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này. Việt Nam sẽ tạo dựng được uy tín, sự quan tâm của thị trường EU, nếu thị trường Anh khẳng định sản phẩm gỗ của Việt Nam có thể cạnh tranh và đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng Anh.

Theo đó, các doanh nghiệp không có cách gì khác là cần phải chuyển đổi nhanh, bởi lâu nay ngành gỗ đang phát triển theo chiều rộng, tốn nhiều nhân công, quy mô lớn để cho ra sản phẩm. “Trong những năm tới, doanh nghiệp cần tạo ra bước ngoặt lớn đi vào chế biến và xuất khẩu các nhóm sản phẩm có giá trị tăng cao hơn, sử dụng ít nhân công, nguyên liệu đầu vào hơn”- ông Hoài cho hay.

Đặc biệt các doanh nghiệp cần chú ý đầu tư cho quản trị, sử dụng phần mềm kế toán hiện đại, đảm bảo tính minh bạch đầu vào - đầu ra, do khi tăng tốc xuất khẩu, cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn các vụ kiện như kiện chống bán phá giá, kiện xuất xứ, tính hợp pháp của nguyên liệu đầu vào,… Nếu có hệ thống quản trị tốt, doanh nghiệp sẽ có năng lực phòng bị tốt hơn.

Ông Nguyễn Cảnh Cường cũng cho biết thêm, Vương Quốc Anh trong tình trạng thiếu ổn định và khan hiếm nguồn cung do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Brexit, chiến sự Ukraina. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể tận dụng cơ hội khan hiếm nguồn cung ứng ở Anh để tăng cường xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, thực phẩm, đồ gỗ, dệt may,…

Hiện, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động để quảng bá thương hiệu sản phẩm gỗ đến khách hàng, đối tác của Anh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn ở tầm quốc gia. Trong thời gian tới, ông Ngô Sỹ Hoài chia sẻ tổ chức này mong muốn có thể tổ chức các hội chợ thương mại mang tầm quốc tế để tiếp cận nhiều hơn với đối tác nước ngoài, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả hơn UKVFTA.

Đối với cơ quan quản lý, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị, cần tăng cường quảng bá thương hiệu tầm quốc gia, để làm sao Việt Nam trung tâm chế biến gỗ có năng lực, cạnh tranh và phát triển bền vững. Đồng thời, chúng ta cần xem xét đánh giá và nhận diện rõ hơn về cơ hội và thách thức trong khai thác UKVFTA, đặc biệt là Chính phủ xem xét, cân nhắc và ký một Hiệp định VPA-FLEGT, một Hiệp định đối tác tự nguyện nhằm tăng cường năng lực quản trị rừng, tuân thủ pháp luật và thương mại gỗ. Qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu vào Anh không phải băn khoăn về yêu cầu môi trường, bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại tại Vương quốc Anh: Khi hiệp định thương mại song phương UKVFTA đã có hiệu lực đầy đủ nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi từ miễn trừ thuế quan. Một số mặt hàng được hưởng lợi từ UKVFTA sẽ có tiềm năng khả quan như nông thủy sản, ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu hầu hết các loại tôm nguyên liệu vào Anh giảm từ 10 - 20% xuống 0%; nhiều mặt hàng gỗ sẽ có thuế suất 0% trong vòng 5 năm tới.
Bảo Thoa

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/hiep-dinh-ukvfta-luc-day-cho-go-viet-xuat-ngoai-233793.html