![]() | EVFTA là cầu nối để hàng Việt vào EU dưới thương hiệu Việt |
![]() | Giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ Hiệp định EVFTA |
Đồng thời EVFTA cũng là FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao thứ hai mà Việt Nam ký kết, với các cam kết bao trùm nhiều lĩnh vực, mức độ tự do hóa mạnh và mức cam kết cao hơn phần lớn các FTA đã có của Việt Nam. Vì vậy, EVFTA được đánh giá sẽ mang lại những tác động đáng kể và tích cực cả về kinh tế và thể chế cho Việt Nam.
Tính tới nay, EVFTA đã có hiệu lực được hơn 2 năm. Theo Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), đây là khoảng thời gian có tính bản lề với việc thực thi bất kỳ FTA nào. Đối với EVFTA, phần lớn các cam kết của Hiệp định này bắt đầu được triển khai trên thực tế, bao gồm cả các cam kết về thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, mua sắm công và cam kết quy tắc trong nhiều lĩnh vực trong hai năm này.
![]() |
Để tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi về việc các doanh nghiệp Việt Nam đang hiểu biết về Hiệp định như thế nào, đã tận dụng được cơ hội từ đây ra sao, phải chịu những thiệt hại như thế nào, điều gì đang ngăn cản họ tiếp cận những cơ hội được cho là rất đáng kể từ Hiệp định này, hay việc ban hành các văn bản pháp luật thực thi Hiệp định có ảnh hưởng như thế nào tới việc tận dụng cơ hội từ Hiệp định của doanh nghiệp không…., Trung tâm WTO và Hội nhập đã thực hiện Báo cáo nghiên cứu “Việt Nam sau 2 năm thực thi EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp”.
Đại diện Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, mục tiêu Báo cáo là đưa ra bức tranh toàn cảnh về hai năm thực hiện EVFTA từ góc độ doanh nghiệp, đồng thời nhận diện được các thực tế về năng lực, hoạt động, cảm nhận và mong muốn cụ thể của doanh nghiệp, qua đó đưa ra các hàm ý chính sách cần thiết với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền để triển khai hiệu quả EVFTA trong thời gian tới.
Báo cáo khảo sát hơn 500 doanh nghiệp thực hiện trong khoảng tháng 5-8/2022 về các khía cạnh liên quan tới thực tiễn thực thi EVFTA và các FTA của doanh nghiệp.
Theo báo cáo, từ góc độ thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU giai đoạn 8/2020- 7/2022 đạt 83,4 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019. Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Đặc biệt, EVFTA đã tạo tác động lan tỏa tới nhiều khu vực dân cư khi các sản phẩm tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan EVFTA được ghi nhận là gạo (100%), giày dép (74-98%), thủy sản (70-76%), nhựa và các sản phẩm nhựa (53-70%)... Mặc dù vậy, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam đi EU năm 2021 chỉ đạt 14,1%, thấp hơn mức tăng trưởng trung bình của xuất khẩu Việt Nam đi các thị trường có FTA khác (18,2%) và từ Việt Nam đi toàn thế giới (19%). Mức này cũng thấp hơn so với tăng trưởng nhập khẩu của EU từ tất cả các nước trên thế giới trong năm 2021 (23%).
Từ góc độ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), FDI của EU vào Việt Nam năm 2020 đạt gần 1.376 triệu USD vốn đăng kÝ, giảm 8,6% so với 2019, đứng thứ 8 và chiếm 4,8% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Năm 2021, tình hình có cải thiện hơn, với tổng vốn hơn 1.405 triệu USD, tăng 2,2%, giúp EU vươn lên đứng thứ 5 nhưng tỷ trọng trong tổng FDI giảm nhẹ, chiếm 4,5%.
Về khảo sát nhận thức của doanh nghiệp đối với EVFTA, theo báo cáo, có tới gần 94% doanh nghiệp từng nghe nói hoặc biết ở các mức độ khác nhau Hiệp định này, cao nhất trong số các FTA đang thực hiện. Báo cáo cho thấy, cứ 10 doanh nghiệp khảo sát thì có 3 doanh nghiệp biết khá rõ và 1 doanh nghiệp biết rất rõ về các cam kết EVFTA có liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.
Đánh giá của Trung tâm WTO và Hội nhập, động lực lợi ích từ EVFTA có lẽ là đủ lớn để thu hút sự quan tâm tìm hiểu của doanh nghiệp. Đồng thời, kết quả này cũng cho thấy các hoạt động phổ biến tuyên truyền về Hiệp định này của cả các cơ quan Nhà nước, VCCI và các đơn vị truyền thông trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực. Giữa các khối doanh nghiệp, nhóm FDI có tỷ lệ biết khá rõ/rõ về EVFTA cao nhất (43%), tiếp tới là nhóm dân doanh (37%), cuối cùng là nhóm doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (13%).
Về các tác động thực tế của EVFTA, có tới gần 41% doanh nghiệp tham gia Khảo sát cho biết đã từng hưởng lợi từ EVFTA. Trong số này, lợi ích phổ biến nhất là các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu (với 40-42% doanh nghiệp); tiếp đó là các hiệu ứng như tăng đơn hàng, tăng doanh thu, lợi nhuận từ cung ứng hàng hóa/dịch vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu với EU, hoặc cơ hội hợp tác, liên kết để tận dụng EVFTA (30-37% doanh nghiệp); và cuối cùng là các nhóm lợi ích khác có tính dài hạn như cơ hội đầu tư hay bảo hộ tài sản trí tuệ ở EU (9-12% doanh nghiệp).
Đối với 59% các doanh nghiệp chưa từng hưởng lợi từ EVFTA trong hai năm qua, các lý do phổ biến là chưa có giao dịch nào với đối tác EU trong thời gian này (69%); không biết lợi ích cụ thể nào của Hiệp định để tận dụng (24%); và một số lý do khác xuất phát từ hạn chế chủ quan của doanh nghiệp hay từ các vướng mắc khách quan trong tổ chức thực thi EVFTA của cả EU và Việt Nam (4-7%). Cũng có khoảng 4,2% doanh nghiệp cho biết đã từng chịu thiệt hại từ Hiệp định, chủ yếu ở dạng các chi phí tuân thủ tăng, sản phẩm chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn từ hàng hóa EU nhập khẩu.
Về sử dụng các ưu đãi thuế quan, có 17% doanh nghiệp đã được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA với ít nhất 1 lô hàng xuất khẩu, 16% đã có lô hàng nhập khẩu hưởng ưu đãi. Đa số họ biết tới các ưu đãi này là nhờ chủ động tìm hiểu cam kết (73%) và/hoặc được đối tác gợi Ý, hỗ trợ tận dụng (36%).
Đánh giá về tác động của EVFTA và các FTA trong thời gian tới, 76% doanh nghiệp cho rằng các FTA sẽ có tác động tới triển vọng kinh doanh của họ trong 3 năm tới. Trong số này, phần lớn (85%) kỳ vọng tác động này sẽ là tích cực, chỉ có 1% đánh giá bất lợi. Phần lớn kỳ vọng của doanh nghiệp đặt vào khả năng cải thiện trong nguồn cung, lượng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận, tham gia chuỗi giá trị, cơ hội hợp tác (88-92%).
Theo báo cáo, tỷ lệ rất cao này một mặt sẽ là động lực để doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, hành động nhằm hiện thực hóa kỳ vọng; mặt khác có thể tạo ra rủi ro nhất định từ nguy cơ lạc quan thái quá. Về lực cản có thể khiến doanh nghiệp khó hưởng lợi, phổ biến nhất là những biến động và bất định của thị trường (47% doanh nghiệp đề cập), năng lực cạnh tranh hạn chế (46%), thiếu thông tin về cam kết và cách thức áp dụng (40%).