![]() | Hiệp định UKVFTA lực đẩy cho gỗ Việt xuất ngoại |
![]() | Tận dụng lợi thế UKVFTA, đẩy mạnh khai thác thị trường |
Lợi ích hai chiều
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ai len (UKVFTA) được chính thức ký kết vào ngày 29 tháng 12 năm 2020 tại Luân Đôn, Vương quốc Anh và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 5 năm 2021.
Theo Bộ Công Thương, Hiệp định UKVFTA mang lại 5 cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt, đó là: Tiếp cận thị trường xuất khẩu với những điều kiện ưu đãi và cạnh tranh; Động lực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu; Cải cách thể chế, tư duy quản lý và kinh doanh; Chủ động nguồn nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt, ổn định và có mức giá hợp lý; Duy trì và gia tăng đầu tư chất lượng cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
![]() |
Hàng hóa xuất khẩu sang Anh tăng trưởng ấn tượng khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực |
Trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định UKVFTA, Bộ Công Thương cho biết, trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,6 tỷ USD, tăng trưởng 17,2% so với năm 2020. Mức tăng trưởng 2 chữ số này đã giúp kim ngạch song phương chính thức phục hồi về mức kim ngạch năm 2019, sau khi bị sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh tăng 16,4% còn Vương quốc Anh xuất khẩu sang Việt Nam tăng 24%.
Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 2016 - 2021 và duy trì ở mức trên 5,6 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện xếp thứ 26 trong số các nước ngoại khối cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường UK với kim ngạch đạt 5-6 tỷ USD/năm.
Bên cạnh đó, trong năm 2021, đã có 48 dự án đầu tư trực tiếp từ Vương quốc Anh vào Việt Nam được cấp mới với số vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 53 triệu USD, tăng trưởng 157% so với cùng kỳ, duy trì mức đầu tư trực tiếp của Vương quốc Anh vào Việt Nam ở mức 4 tỷ đô la Mỹ. Hiện nay, Vương quốc Anh đang nằm trong nhóm 12 nước có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam.
Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương đánh giá, những kết quả tích cực như vậy đã cho thấy tác động tích cực của UKVFTA đối với cả Việt Nam và Vương quốc Anh. Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho hay, Hiệp định UKVFTA đã mang lại lợi ích cho hai phía; tăng trưởng xuất khẩu từ Anh sang Việt Nam cũng đang tăng cao đã giúp cân bằng cán cân thương mại, đồng thời giúp cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam tận dụng nhiều hơn các nguồn nguyên liệu, công nghệ, sản phẩm mà Anh có thế mạnh để nâng cao năng lực sản xuất. Anh cũng đang trở thành nguồn cung cấp nguyên vật liệu giá trị cao, công nghệ tốt cho Việt Nam, qua đó doanh nghiệp có thể chúng ta tận dụng UKVFTA một cách hiệu quả.
“Ở chiều ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu sang Anh của Việt Nam là các mặt hàng thế mạnh và đều tăng trưởng rất tốt, có những mặt hàng tăng trưởng gần 100%, như cà phê, tiêu, rau quả, may mặc, giày dép… điều này thể hiện rõ ràng các doanh nghiệp đã hướng đến thị trường Anh và xem đây là kênh để đa dạng thị trường xuất khẩu”- ông Khanh nói.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Tuy nhiên, dư địa để 2 nước khai thác tiềm năng của FTA này còn rất lớn. Đặc biệt, việc Vương quốc Anh đang tích cực đẩy mạnh quá trình đàm phán và ký kết các thỏa thuận thương mại sau khi Brexit cùng với việc Việt Nam đã và đang tham gia 15 FTA, trong đó có các FTA lớn như Hiệp định CPTPP, RCEP, EVFTA và đặc biệt là cả 2 nước đang cùng thúc đẩy UKVFTA sẽ tạo ra những cơ hội hấp dẫn để cộng đồng doanh nghiệp 2 nước tăng cường hợp tác, tận dụng các thế mạnh của nhau, từ đó gia tăng hơn nữa giá trị gia tăng từ hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại.
Có thể thấy, cơ hội tiếp cận thị trường Anh đang rộng mở đối với doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng tốt hơn nữa sự ưu đãi từ Hiệp định này, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững thông tin thị trường Anh để đảm bảo sự chuyên môn hóa trong sản xuất, từ đó gia tăng sức cạnh tranh với các quốc gia khác. Doanh nghiệp cần sẵn sàng chấp nhận, làm quen với cái mới, cũng như thích ứng với nó để phát triển thông qua các biện pháp như điều chỉnh sản xuất, chất lượng dịch vụ để phù hợp với thị hiếu, sở thích của thị trường Anh.
Ngoài ra, doanh nghiệp được khuyến nghị xây dựng đội ngũ nhân sự pháp lý đáp ứng một số yêu cầu chuyên môn như: am hiểu pháp luật thương mại quốc tế nói chung, đặc biệt là hiểu rõ về cam kết của Hiệp định UKVFTA. Đồng thời, nắm rõ các thông tin liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp của mình, bao gồm: Mặt hàng thế mạnh của doanh nghiệp mình là gì, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng đó vào UK là bao nhiêu, doanh nghiệp cần xin C/O form gì hay Anh có quy định gì đặc biệt về mặt hàng đó hay không…
Với vai trò là cơ quan chủ trì việc thực thi UKVFTA, theo ông Ngô Chung Khanh, Bộ Công Thương đã và đang chủ trì, thúc đẩy 2 nhóm công việc chính liên quan đến thể chế. Một là ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực thi UKVFTA. Trong thời gian sau khi Hiệp định được Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đã đôn đốc các Bộ, ngành nhanh chóng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định UKVFTA.
Ông Ngô Chung Khanh cho biết thêm, đến nay, Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới một số nội dung như Kế hoạch thực hiện Hiệp định UKVFTA của Chính phủ; Nghị định quy định về Biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi; Nghị định hướng dẫn thực hiện việc chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang UK; các Thông tư của Bộ Công Thương về quy tắc xuất xứ và phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, tương tự như các FTA thế hệ mới khác là CPTPP và EVFTA, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng lế hoạch thực thi UKVFTA. Theo đó, Kế hoạch hành động thực thi Hiệp định UKVFTA bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định UKVFTA và thị trường UK; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. “Các nhóm nhiệm vụ này đã và đang được triển khai nhằm đảm bảo Việt Nam thực thi đầy đủ các cam kết trong UKVFTA cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng UKVFTA hiệu quả nhất”- ông Khanh thông tin.