Doanh nghiệp tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP

17:01 | 02/12/2022 In bài biết
Sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tỷ lệ các doanh nghiệp hiểu/hiểu rõ về Hiệp định CPTPP đã tăng đáng kể. Điều này cho thấy rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm, để ý việc xuất khẩu sang các thị trường mới này.
Thực thi Hiệp định CPTPP, tránh bất lợi về điều tra phòng vệ thương mại Thực thi Hiệp định CPTPP, tránh bất lợi về điều tra phòng vệ thương mại
Thách thức nào khi tham gia Hiệp định CPTPP? Thách thức nào khi tham gia Hiệp định CPTPP?

Ông Trần Thế Phương - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Bình Dương thông tin, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được hưởng chính sách ưu đãi xuất xứ khi xuất khẩu vào thị trường CPTPP. Xuất khẩu sang thị trường các nước thuộc khối CPTPP trong 10 tháng 2022 đạt khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 11,02% so với cùng kỳ và chiếm 13,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đều có nhận thức và hiểu biết nhất định về cam kết và thị trường các nước CPTPP, đặc biệt là các cam kết cắt giảm thuế quan, các quy định để được cấp xuất xứ hàng hóa C/O được hưởng các ưu đãi thuế quan - ông Phương cho hay.

Ông Trần Thế Phương cho biết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và sử dụng, sử dụng các xuất xứ ưu đãi C/O, thu hút đơn hàng xuất khẩu mới vào các nước CPTPP, thời gian qua, Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục cấp C/O để doanh nghiệp nhận được C/O trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện cho khách hàng của doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu và được hưởng ưu đãi thuế nhanh nhất có thể tại các nước nhập khẩu, qua đó tạo nên lợi thế cạnh tranh về giá cả so với hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường khác.

Doanh nghiệp tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP
Doanh nghiệp tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP

Có thể nói, việc tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP có những điểm đặc thù so với các hiệp định FTA khác khi mà đối tác chưa có FTA có sẵn với Việt Nam. Bà Đỗ Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, nếu nhìn vào con số tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi trong CPTPP chiếm khoảng 6,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trong CPTPP có vẻ thấp nhưng nếu chỉ tính trên kim ngạch sang 06 nước thành viên đã thực thi CPTPP tính đến thời điểm khoảng tháng 8/2021 trở về trước, tỷ lệ sẽ cao hơn.

Trong thực tế, trong số 10 nước đối tác của Việt Nam trong CPTPP thì 07 nước đã có FTA với Việt Nam trước đó, chỉ có 03 nước là đối tác mới và thực chất cơ hội thị trường mới chủ yếu của CPTPP đem lại là ba nước này bao gồm: Canada, Mexico và Peru, trong đó Peru mới thực thi Hiệp định từ cuối năm 2021 trở lại đây.

Theo bà Hương, với những thị trường đã có FTA rồi, vì đã thực hiện từ lâu và quen thuộc, trong lộ trình giảm thuế đã về 0% nên nhiều doanh nghiệp sẽ lựa chọn sử dụng ưu đãi theo những hiệp định cũ và quy tắc xuất xứ với với những hiệp định trước đây hơn.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu dẫn chứng, nếu chỉ tính riêng thị trường Canada và Mexico, tỷ lệ sử dụng ưu đãi này cao hơn hẳn, khoảng xấp xỉ 24% và con số này cao hơn tỷ lệ sử dụng ưu đãi trong Hiệp định với EU (EVFTA), cũng như tỷ lệ sử dụng ưu đãi trong UKVFTA.

Ngoài ra, chưa kể đến việc ngay tại hai thị trường mới có FTA, các doanh nghiệp cũng được lựa chọn sử dụng theo C/O ưu đãi của Hiệp định CPTPP hay thuế MFN (cơ chế thuế tối huệ quốc) mà các nước đang áp dụng, hoặc cơ chế GSP (thuế quan ưu đãi phổ cập) mà Canada vẫn duy trì cho Việt Nam. Những yếu tố này dẫn đến tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi của CPTPP sang tất cả các thị trường trong khối nói chung không cao.

Theo ông Trần Thế Phương, dù vậy, từ thực tế tại địa phương cho thấy, do đặc thù các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của tỉnh còn mang nặng hình thức gia công, chế biến, đặc biệt là hai ngành dệt may, da giày nên việc tận dụng nguyên vật liệu trong nước và các nước thuộc khối CPTPP còn hạn chế, tuy có tăng dần theo từng năm nhưng vẫn chưa đạt theo kỳ vọng.

Trong đó nguyên nhân chính là do các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. "Bên cạnh đó, các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất của tỉnh Bình Dương với các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu trong nước và các nước thuộc CPTPP chưa nhiều và chưa thường xuyên. Đây cũng là nút thắt trong việc nâng cao tỷ lệ tận dụng C/O của các doanh nghiệp hiện nay" - ông Phương thông tin.

Để tận dụng tối đa ưu đãi trong Hiệp định CPTPP nói riêng và các FTA nói chung, bà Đỗ Thị Thu Hương khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như những ưu đãi thuế quan theo các hiệp định đem lại để biết được rằng cơ hội chúng ta ở đâu, ở thị trường nào và nhóm hàng nào. Quan tâm hơn đến những quy định về quy tắc xuất xứ, tìm hiểu xem làm thế nào để đáp ứng được quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan, trên cơ sở đó để xây dựng những cái chiến lược cũng như là kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

Theo bà Hương, liên quan đến việc tổ chức hệ thống cấp C/O hiện nay, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh hai xu hướng. Một là, xu hướng tăng cường chuyển giao cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ thay vì do các tổ chức cấp C/O thực hiện hiện nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến việc tự chứng nhận xuất xứ bởi sẽ đảm bảo được tính chủ động, tiết kiệm về mặt thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Hai là, chính là đẩy mạnh việc cấp C/O điện tử; đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại sang các thị trường có FTA để tìm kiếm các cơ hội thị trường cho cộng đồng doanh nghiệp.

Hà Hương

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/doanh-nghiep-tang-ty-le-tan-dung-uu-dai-cua-hiep-dinh-cptpp-233737.html