Ông Stuart Livesey cho biết, tiềm năng ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam chính là những cơ hội tuyệt vời để chuyển đổi các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng hoá thạch với chi phí cao, sang sử dụng năng lượng tái tạo, dựa trên nguồn gió ngoài khơi có chất lượng tốt, đặc biệt là ở phía nam Việt Nam. Ở đây có đáy biển tương đối nông cùng đáy biển có cấu trúc vững chắc để hỗ trợ việc xây dựng, lực lượng lao động có thể được nâng cao trình độ và cơ sở hạ tầng cảng có thể nâng cấp để sử dụng cho ngành điện gió ngoài khơi và kích thích chuỗi cung ứng.
![]() |
Ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners chia sẻ về tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam tại một triển lãm tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh cuối tháng 11/2022 |
Nói về khu vực sẽ là "điểm sáng" để phát triển điện gió ở Việt Nam, ông Stuart Livesey cho hay: Các khu vực Nam Trung Bộ như Bình Thuận và Ninh Thuận là nơi có tốc độ gió tốt nhất ở Việt Nam, tuy nhiên khi xét về “điểm sáng” và “điểm tốt nhất”, sẽ có rất nhiều khía cạnh cần được đưa ra như nhu cầu năng lượng, khoảng cách đến lưới điện, cơ sở hạ tầng và truyền tải lưới điện hiện có/theo kế hoạch, độ sâu của nước, cơ sở cảng, các hạn chế về môi trường... Những khía cạnh này là lý do tại sao ngành điện gió ngoài khơi luôn rất cần chú trọng vào việc thu thập nhiều thông tin tại các vị trí trọng điểm của dự án, tuy nhiên các giấy phép khảo sát ngoài khơi hiện vẫn đang chưa được phê duyệt.
Nhận định về "sức hấp dẫn" của Việt Nam về lĩnh vực điện gió ở Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, theo ông Stuart Livesey, Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành trung tâm của Châu Á Thái Bình Dương về cả sản xuất và sử dụng tài nguyên gió ngoài khơi, đồng thời tạo ra một chuỗi cung ứng và lực lượng lao động có thể hỗ trợ các quốc gia khác trong khu vực, và thậm chí xuất khẩu năng lượng được tạo ra nhờ nguồn tài nguyên gió dồi dào và vùng nước tương đối nông dọc theo bờ biển dài của Việt Nam. Thị trường Việt Nam rất hấp dẫn cho nên nếu có ý định bắt đầu hành trình điện gió ngoài khơi tại quốc gia này thì đây sẽ là một dự án cực kỳ có lợi cả về tài chính cho đất nước cũng như về an ninh năng lượng và đa dạng năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu (đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch).
Tuy vậy, ông Stuart Livesey cho biết, hiện ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam vẫn đang gặp một số thách thức như: Việc chia sẻ thông tin để chính phủ và chính quyền địa phương hiểu được về sự khác biệt giữa điện gió ngoài khơi với điện gió trên bờ và điện mặt trời do cần nguồn vốn khổng lồ và đòi hỏi sự phức tạp về kỹ thuật của ngành công nghiệp này để xây dựng một hệ thống sản xuất điện ngoài biển và truyền tải điện vào bờ.
Với các dự án cơ hở hạ tầng lớn và quan trọng như vậy, sẽ cần phải có sự phối hợp đồng bộ từ trung ương đến địa phương để chính phủ và các bộ ban ngành đưa ra các cơ chế, chính sách và quyết định phù hợp và kịp thời để phát triển ngành ngày. Một phần quan trọng nữa, bên cạnh khung pháp lý phù hợp cho điện gió ngoài khơi, việc đảm bảo thỏa thuận mua bán điện có thể được thiết lập để vận hành và quản lý đối với các nhà đầu tư dài hạn và chi phí đầu tư cao như vậy. Nếu chưa giải quyết được những vấn đề trên thì sẽ tạo ra một rào cản lớn đối với đầu tư quốc tế.