![]() | Thực thi Hiệp định CPTPP, tránh bất lợi về điều tra phòng vệ thương mại |
Chuyên gia về lao động, việc làm Lê Quang Trung đã trao đổi với Báo Công Thương về tác động của Hiệp định CPTPP tới lao động, việc làm.
![]() |
Hiệp định CPTPP đang mở ra sân chơi kinh tế lớn đối với các doanh nghiệp, vậy với người lao động, theo ông đang đứng trước cơ hội nào?
Việc tham gia ký kết và thực thi Hiệp định CPTPP là hết sức quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, với quy mô lớn của thị trường các nước thành viên của Hiệp định chúng ta đang bước vào sân chơi kinh tế mới, cơ hội xuất khẩu hàng hóa rộng mở, đặc biệt sẽ là đòn bẩy để phát triển các lĩnh vực, ngành nghề có thâm dụng lao động cũng như lĩnh vực về giáo dục, đào tạo.
Đảng và Nhà nước đã xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá để phát triển trong thời kỳ mới. Đồng thời xác định lao động - việc làm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội. Theo đó, cùng với việc tham gia thực hiện các FTA, trong đó có CPTPP là động lực để chúng ta đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực.
Với quy mô dân số gần 100 triệu dân, Việt Nam là quốc gia có số lượng lao động lớn, lực lượng lao động trẻ dồi dào, nền kinh tế có thuận lợi tận dụng cơ hội dân số vàng để phát triển. Đặc biệt, ngoài số lượng, lao động Việt Nam ngày càng có trình độ, kỹ năng có thể đáp ứng trước xu thế phát triển của nhiều lĩnh vực mới như công nghệ, chế biến, thương mại điện tử, logistics….
Tuy vậy, năng lực, chất lượng lao động vẫn là điểm nghẽn để các doanh nghiệp tận dụng được các ưu đãi từ CPTPP cũng như các cam kết của Hiệp định này, thưa ông?
Đây là thực tế chúng ta phải thừa nhận. Hiện, các chương trình đào tạo của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là đào tạo nghề; về lao động kỹ năng làm việc theo nhóm, cũng như kỹ năng tham gia các quy trình sản xuất, vận hành của nhà máy, doanh nghiệp còn hẹn chế; đặc biệt trình độ ngoại ngữ chưa được cải thiện, ý thức của một bộ phận kể cả lao động trẻ kể cả chấp hành kỷ cương pháp luật.
Từ những hạn chế đó mà dù có mức tăng trưởng năng năng suất lao động cao, nhưng Việt Nam vẫn chưa theo kịp để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác. Cụ thể, theo ước tính của ILO, năng năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.
![]() |
Ông Lê Quang Trung - Chuyên gia về lao động, việc làm |
Thời gian tới, để thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP, tăng cơ hội cạnh tranh và tiếp cận thị trường đối với doanh nghiệp, theo ông các giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cần tập trung vào những vấn đề nào?
Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Vì thế, trước hết, Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực theo hướng tới toàn diện từ giáo dục, đào tạo, sử dụng, đãi ngộ đối với người lao động. Cụ thể, phát triển các trường, ngành nghề đáp ứng xu hướng của thị trường lao động như công nghệ, công nghệ sinh học, các lĩnh vực dịch vụ, thương mại điện tử, công nghiệp ô tô, cơ khí để thu hút lao động làm việc; tăng cường cải thiện về ngoại ngữ, thái độ, ý thức lao động…
Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh công tác dự báo phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động, từ đó có định hướng trong đào tạo, sử dụng, hướng nghiệp cho thế hệ trẻ có hệ thống. Đặc biệt, cần xây dựng bộ công cụ đánh giá kỹ năng lao động, để hướng nghiệp cho lao động; có giải pháp làm sao sử dụng lao động đúng chuyên ngành, có chế độ khuyến khích người lao động cống hiến; hỗ trợ đào tạo; tập trung nghiên cứu, tổ chức sử dụng nhóm lao động đặc thù là lao động nữ, người cao tuổi, tàn tật.
Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức đối với các cấp chính quyền, Bộ ngành về cải thiện chất lượng nguồn nhân lực để người lao động có thể tận dụng các cơ hội chính sách tốt nhất để tham gia vào thị trường lao động; cũng như để họ yên tâm cống hiến cho doanh nghiệp, đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế, duy trì tăng trưởng xuất khẩu.
Đặc biệt, hiện nay, tỷ lệ người lao động có việc làm bền vững, việc làm thỏa đáng chưa cao. Tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ đang diễn ra, nhất là những ngành, nghề, lĩnh vực yêu cầu trình độ cao. Do đó, cần có các chính sách rất bài bản, căn cơ trong việc đào tạo nguồn lao động, xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập.
Xin cảm ơn ông!