Canada thị trường xuất khẩu tiềm năng của gỗ Việt Nam

17:22 | 06/12/2022 In bài biết
Với việc xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Canada được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có sản phẩm gỗ.
Hợp tác kinh tế là động lực của quan hệ đối tác Việt Nam-Canada Hợp tác kinh tế là động lực của quan hệ đối tác Việt Nam-Canada
Canada - thị trường xuất khẩu, xuất siêu lớn của Việt Nam Canada - thị trường xuất khẩu, xuất siêu lớn của Việt Nam

Thị trường tiềm năng

Việt Nam hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực ASEAN kể từ năm 2015. Thương mại hai chiều tăng mạnh ổn định trong những năm gần đây, đạt khoảng 20-25%/ năm và Việt Nam luôn xuất siêu.

Canada thị trường xuất khẩu tiềm năng của gỗ Việt Nam
Gỗ Việt Nam đang có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Canada

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đạt hơn 4,3 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Canada đạt 726 triệu USD. Những mặt hàng xuất khẩu chính Việt Nam sang thị trường Canada cũng là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, bao gồm: dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, thủy sản, đồ gỗ…

Riêng đối với mặt hàng gỗ, năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 12,37 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2019. Trong số đó, các sản phẩm gỗ đạt kim ngạch 9,54 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2019, chiếm 77,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 9,9 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020. Các con số trên cho thấy, tốc độ tăng trưởng kim ngạch mặt hàng này của Việt Nam đều tăng đều qua các năm trong 10 năm qua.

Bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada - cho biết, nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ và trang trí nội thất của Canada cũng khá lớn. Giai đoạn 2014-2021, Canada nhập khẩu trung bình khoảng 550 triệu USD/tháng, khoảng 7 tỷ USD/năm. Cao điểm nhập khẩu thường là các tháng cuối năm và thấp nhất vào các tháng 1-2-7.

Dự báo, thị trường đồ nội thất gia đình của Canada sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 6% trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ, và đồ nội thất phòng ngủ là 3 mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất tại thị trường Canada. Với nhu cầu đồ gỗ lớn, Canada được nhận định là thị trường xuất khẩu tiềm năng của mặt hàng gỗ Việt Nam.

Ngoài ra, Canada có nguồn nguyên liệu gỗ và là một trong những nước xuất khẩu gỗ nguyên liệu lớn trên thế giới, trong khi Việt Nam có nhu cầu cao nhập khẩu gỗ nguyên liệu để chế biến xuất khẩu.

Khai thác lợi thế CPTPP

Dù có lợi thế về giá và chất lượng nhưng hiện sản phẩm gỗ Việt Nam mới chiếm gần 4% thị phần nhập khẩu của Canada. Trong khi đó, tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này của hai bên còn rất lớn, trong đó, Hiệp định CPTPP chính là "lực đẩy" giúp mặt hàng này có thể tiến sâu vào thị trường Canada. Bởi đồ gỗ được xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực với tất cả dòng thuế.

Tuy vậy, để tận dụng cơ hội mà CPTPP mang lại, cũng như duy trì xuất khẩu ổn định, doanh nghiệp cần nắm vững những quy định của Canada và Hiệp định CPTPP áp dụng đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ.

Theo đó, về thuế quan: Mặt hàng gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ nằm chủ yếu ở HS Chương 44 và 94. Hiện nay, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada nói chung, và mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng được hưởng ưu đãi theo ba cơ chế thuế quan bao gồm: MFN trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập GPT và mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP.

Về cơ chế thuế quan MFN trong khuôn khổ WTO, đây là mức thuế Canada đã và đang cam kết trong khuôn khổ WTO kể từ năm 1995. Hiện nay, thuế MFN được Canada dành cho hàng hóa được nhập khẩu vào nước này từ lãnh thổ của 228 quốc gia trên thế giới, kể cả các nền kinh tế là thành viên WTO và các nền kinh tế không phải là thành viên WTO. Việt Nam là một trong 228 quốc gia được hưởng ưu đãi thuế quan MFN của Canada.

Đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng, mức thuế MFN hiện nay từ 0% đến 9,5%, trong đó mặt hàng nội thất bằng gỗ, là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của ta có mức thuế dao động từ 6% đến 9,5%.

Về cơ chế thuế quan GPT, kể từ năm 1974, Canada khởi động chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập dành cho các nước đang và kém phát triển với mục đích nhằm hỗ trợ các nước này trong việc phát triển kinh tế. Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2021, cơ chế GPT được dành cho hàng xuất khẩu sang Canada từ 106 quốc gia với điều kiện đáp ứng được các quy định về nguồn gốc xuất xứ của riêng cơ chế này.

Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo cơ chế GPT, hàng xuất khẩu từ Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chí về quy tắc xuất xứ dành riêng cho cơ chế này được ban hành tại Quy định số SOR/2013/165 về Quy tắc Xuất xứ Ưu đãi thuế quan phổ cập và thuế quan của các nước kém phát triển.

Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, Canada vẫn có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung để tránh đứt gẫy, các doanh nghiệp Canada và cơ quan chính sách Canada ngày càng quan tâm đến nguồn cung từ thị trường Việt Nam. Là nước có mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do rộng khắp, Canada quan tâm thục đẩy các doanh nghiệp tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (nguyên tắc xuất xứ cộng gộp) để xuất khẩu và hợp tác sản xuất.

Theo đó, hai bên có nhiều tiềm năng để kết nối sản xuất, hợp tác gia công OEM (sản xuất theo đơn hàng) cho các thương hiệu Canada, sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam cho Canada để xuất khẩu đi thị trường nước thứ ba. Về vấn đề này, bà Trần Thu Quỳnh cho biết, để đồ gỗ và trang trí nội thất của Việt Nam có thể tiến sâu hơn vào thị trường Canada do hiện nay Canada sở hữu nhiều nhãn hàng nội thất cao cấp, nên doanh nghiệp có thể phối hợp để cùng hợp tác sản xuất kinh doanh dưới dạng OEM.

Mặt khác, bà Trần Thu Quỳnh lưu ý, doanh nghiệp trong nước còn có thể phối hợp đào tạo nhân lực, nhất là việc kết hợp nhiều loại nguyên liệu trong sản phẩm gỗ, học tập kinh nghiệm xử lý gỗ và nước sơn, tự động hoá trong sản xuất, tận dụng hệ thống bán hàng của đối tác Canada để đưa hàng hoá vào thị trường Mỹ.

Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019 được coi là đòn bẩy cho việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước bởi đây là lần đầu tiên hai nước thiết lập quan hệ FTA.
Bảo Thoa

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/canada-thi-truong-xuat-khau-tiem-nang-cua-go-viet-nam-233674.html