![]() | Xây dựng vị thế cho nông sản Việt Nam tại thị trường châu Âu |
![]() | Tác động tích cực của Hiệp định EVFTA tới doanh nghiệp |
Doanh nghiệp tận dụng nguồn nguyên liệu
Từ góc độ doanh nghiệp hưởng lợi của việc tận dụng EVFTA nhập khẩu thiết bị máy móc từ EU, ông Đinh Văn Hiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn DKNEC cho biết, EVFTA là điều kiện tuyệt vời nếu các doanh nghiệp biết đón đầu và nghiên cứu, chuẩn bị hành trang để tận dụng. Trước khi có EVFTA, Tập đoàn DKNEC phải nhập khẩu các thiết bị máy móc từ Châu Âu với các mức thuế khác nhau, từ 5 - 15% tùy loại. Từ sau khi có EVFTA với lộ trình giảm thuế từ 10,2% đến 1% đối với các loại thiết bị này trong 5 - 7 năm, thậm chí hiện nay đã có loại máy móc được hưởng thuế suất 0%.
Điều này giúp doanh nghiệp tận dụng được nguồn cung cấp cũng như ứng dụng giải pháp tiên tiến, hiện đại để nâng cao sản xuất, từ đó có điều kiện tốt hơn để giảm giá thành đầu tư và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. "Ví dụ, trước đây chúng tôi nhập khẩu linh kiện và thiết bị IKD từ Châu Âu với thuế khá cao nhưng khi có EVFTA, nhập khẩu linh kiện và thiết bị IKD thấp xuống thì chúng tôi sẽ có những khâu chuẩn bị chế tạo những sản phẩm có thể xuất ngược sang một số quốc gia khác tận dụng linh kiện đầu vào giá rẻ" - ông Đinh Văn Hiến chia sẻ.
Hiệp định EVFTA được đánh giá là một điểm nhấn để thu hút đầu tư từ châu Âu nói chung, từ Đức nói riêng vào Việt Nam và tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư Châu Âu, nhà đầu tư Đức yên tâm để đầu tư ở Việt Nam một cách bền vững và lâu dài. Đối với riêng các nhà đầu tư Đức, bà Đào Thu Trang- Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho biết, hiện nay doanh nghiệp Đức mong muốn đầu tư về những ngành sản xuất, về công nghệ cao, về năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, về IT, phát triển phần mềm, ngành thực phẩm, chế biến đồ uống, điện tử.
![]() |
Tận dụng nguồn lực đầu tư, công nghệ từ EU để gia tăng sức cạnh tranh |
Với mục tiêu đầu tư lâu dài, bền vững tại thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư Đức mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp địa phương, đẩy mạnh hàm lượng nội địa hóa trong các sản phẩm của họ sản xuất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Đức cũng sẵn sàng hợp tác chuyển giao công nghệ, kết hợp đào tạo với nguồn nhân lực trong nước, giúp doanh nghiệp của Việt Nam đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa sản xuất và áp dụng công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn của Đức để có thể nâng cao sức cạnh tranh và lớn mạnh bền vững bằng chính nội lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Trang khuyến nghị, để thu hút và tận dụng được nguồn lực đầu tư từ EU, các cơ quan quản lý của Việt Nam cần tăng cường hiệu quả công tác thực thi Hiệp định để có thể phát huy, gia tăng thương mại, đầu tư của EU vào Việt Nam thông qua EVFTA. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng uy tín và bền vững, góp phần tăng hàm lượng nội địa hóa của sản xuất trong nước.
Trong đó, để có thể tận dụng được những cam kết về xuất xứ và tận dụng tối đa được lợi thế từ EVFTA Việt Nam cần đẩy mạnh sản xuất với những nguồn nguyên phụ liệu ở trong nước để có thể đáp ứng được cái quy tắc xuất xứ mà EVFTA đưa ra.
Bên cạnh đó, cần có những chiến lược, chính sách phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng giúp cho các nhà đầu tư Đức và các nhà đầu tư châu Âu nói chung yên tâm phát triển lâu dài và bền vững tại thị trường Việt Nam.
Chú trọng tiêu chuẩn về vấn đề môi trường
Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đã tận dụng tương đối tốt những lợi ích, lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do EVFTA, tuy nhiên theo ông Đỗ Hữu Hưng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), vẫn còn những doanh nghiệp và hàng hóa của Việt Nam chưa đạt được những tiêu chuẩn kỹ thuật, cụ thể những tiêu chuẩn về vấn đề môi trường, xã hội theo chính sách của EU.
Theo đánh giá, EU là thị trường rất kỹ tính, khó tính và có những tiêu chuẩn chất lượng rất cao. Bên cạnh đó EU cũng quan tâm đến vấn đề môi trường và đang cụ thể hóa hơn, luật hóa hơn những vấn đề về môi trường trong thương mại, ví dụ như mới đây Ủy ban Liên minh Châu Âu đã công bố quy định về cơ chế điều chỉnh carbon biên giới cũng như các quy định liên quan về Luật chống chặt phá rừng... Những điều này phần nào ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp Việt Nam tận dụng nguồn đầu tư của Châu Âu, tận dụng nguồn máy móc, nguồn nguyên liệu và công nghệ từ Châu Âu để từ đó thay đổi phương thức sản xuất, tạo ra hàng hóa có chất lượng tốt hơn, bảo vệ môi trường hơn, phù hợp với xu hướng của tiêu dùng, đáp ứng được những tiêu chuẩn này thì cũng sẽ tạo ra được lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam.
Để tận dụng được nguồn lực của các nước Châu Âu tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam cần sự đầu tư, hỗ trợ bài bản ở tất cả các khâu. Bộ Công Thương hiện đang triển khai hiệu quả những cơ chế hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Châu Âu.
Trong đó, thông qua hệ thống thương vụ phối hợp rất chặt chẽ với các doanh nghiệp và các cơ quan nước sở tại tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường khu vực Châu Âu. Thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu thông tin về thị trường, cập nhật thường xuyên xu hướng tiêu dùng của các nước EU tới cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là tổ chức các sự kiện đẩy mạnh kết nối các nhà thu mua của châu Âu và các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Văn Hiến thông tin, doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế, nghiên cứu kỹ lưỡng và hành trang sẵn sàng để tận dụng EVFTA. Trong đó, phải nắm bắt những văn hóa của châu Âu đồng hành cùng với văn hóa Việt, để hiểu biết về văn hóa kinh doanh giữa các quốc gia châu Âu với Việt Nam; chuẩn bị tất cả những hành trang và môi trường để có thể liên kết, hợp tác với các đối tác châu Âu.
Với EVFTA, môi trường cạnh tranh trở nên hoàn hảo hơn. Bên cạnh cơ hội có thị trường toàn cầu và không bị đứt gãy nguồn cung, sẽ có thêm cơ hội hợp tác với những doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến kết hợp với năng lực sản xuất ở trong nước sẽ giúp chúng ta có những sản phẩm vừa xuất khẩu được sang Châu Âu cũng như những quốc gia khác - ông Hiến cho hay.