Xuất khẩu sang Malaysia cơ hội đang đan xen thách thức

07:47 | 12/12/2022 In bài biết
Việc Malaysia phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang mở ra cơ hội thị trường mới cho hàng hoá Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, thách thức cũng không ít.
Hiệp định CPTPP bắt đầu có hiệu lực đối với Malaysia từ cuối tháng 11/2022 Hiệp định CPTPP bắt đầu có hiệu lực đối với Malaysia từ cuối tháng 11/2022
Báo Malaysia: Việt Nam củng cố vị thế trong xuất khẩu trái cây Báo Malaysia: Việt Nam củng cố vị thế trong xuất khẩu trái cây

Rộng mở cơ hội

Hiệp định CPTPP được ký kết vào tháng 3/2018 với 11 thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chi Lê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Các quốc gia trong hiệp định này có tổng dân số 495 triệu người và chiếm 13,5% GDP toàn cầu.

Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Malaysia vào tháng 11/2022. Theo đó, trong số 11 nước đã ký kết Hiệp định CPTPP, Malaysia là nước thứ 9 thông qua hiệp định này, sau Mexico, Nhật Bản, Singapore, Australia, New Zealand, Canada, Việt Nam và Peru.

Xuất khẩu sang Malaysia cơ hội đang đan xen thách thức
Xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia đều được hưởng các mức thuế ưu đãi nhờ CPTPP

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương việc Malaysia phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi theo Hiệp định CPTPP khi xuất khẩu sang nước này kể từ tháng 11/2022.

Ngoài ra, dù Việt Nam đã có những hiệp định ký với Malaysia trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN +, nhưng với việc Malaysia phê chuẩn hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng nguyên vật liệu của ASEAN để sản xuất hàng hóa xuất sang 3 thị trường mà ASEAN chưa có FTA là Canada, Mexico và Peru.

Cụ thể, Việt Nam đang nhập từ Malaysia là hóa chất, chất dẻo, nguyên liệu linh kiện điện tử… Doanh nghiệp Việt có thể sử dụng nguyên liệu này làm đầu vào để đáp ứng được các tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa để xuất sang 3 thị trường Canada, Mexico và Peru.

Để tận dụng câu hội xuất khẩu sang thị trường Malaysia nhờ các ưu đãi từ CPTPP, theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tận dụng tốt hơn các FTA.

Trong đó, Bộ sẽ chú trọng vào những vấn đề như: tiếp tục phổ biến các cam kết rộng rãi đến các doanh nghiệp; tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng hoá xuất khẩu để tham gia vào thị trường các nước.

Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục đàm phán một số FTA mới như Hiệp định song phương giữa Việt Nam và Ireland; đàm phán FTA giữa ASEAN và Canada; tiếp tục nâng cấp một số FTA giữa ASEAN và một số đối tác quan trọng của ASEAN như Australia, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc… để từ đó doanh nghiệp có thể tận dụng được tốt hơn ưu đãi từ các thị trường Việt Nam đã có FTA.

Đẩy mạnh tìm hiểu thị trường

Theo Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, Malaysia là thị trường lớn với 32 triệu dân, yêu cầu về chất lượng hàng hóa không quá ngặt nghèo. Malaysia còn nằm trong khối thị trường chung Asean, CPTPP… vì thế xuất khẩu của Việt Nam sang đây đều được hưởng các mức thuế ưu đãi. Mặt khác, Malaysia là nền kinh tế cởi mở, thông thoáng và mức thuận tiện trong buôn bán xuyên biên giới được đánh giá cao trên thế giới.

Trên cơ sở thuận lợi đó, 6 tháng 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Malaysia đạt 7.846,91 triệu USD tăng 39,58% so với cùng kỳ năm trước (5.621,46 triệu USD), trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 3.015,55 triệu USD tăng 42,33% so với năm trước (2118,61 triệu USD) và kim ngạch nhập khẩu đạt 4.831,36 triệu USD tăng 37,92% so với năm trước (5621,46 triệu USD).

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài của Malaysia vào Việt Nam, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm 20/6/2022, Malaysia đã có 12 dự án đầu tư mới sang Việt Nam với số vốn: 0,76 triệu USD; có 4 dự án điều chỉnh tăng vốn với quy mô 131,10 triệu USD; có 31 lượt mua góp vốn, mua cổ phần với tổng lượng vốn đạt 6,69 triệu USD.

Tính lũy kế đến ngày 20/06/2022, Malaysia đã có 678 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn đạt 12,979 tỷ USD, đứng thứ 10 trong tổng số 139 nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam.

Có thể nói, thuận lợi đang rất lớn dành cho hàng hoá xuất khẩu Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường tiềm năng Malaysia. Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại quốc gia này cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức.

Trong đó, theo Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, nhiều sản phẩm, dịch vụ khi tiếp cận thị trường này cần chứng chỉ Halal; thực phẩm phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm theo Luật Thực phẩm 1983 và Quy định thực phẩm 1985; bao gói, nhãn mác phải tuân thủ quy định luật pháp nước sở tại.

Ngoài ra, hàng hoá Việt Nam sẽ chịu cạnh tranh lớn từ các nước rất mạnh trong xuất khẩu nông sản như: Trung Quốc, Thái Lan, Australia, New Zealand, Indonesia, Mỹ…

Vì vậy, để tăng cơ hội xuất khẩu sang Malaysia, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia khuyến nghị, các doanh nghiệp, ngành hàng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại hiệu quả với thị trường thông qua việc tham dự triển lãm để nắm bắt nhu cầu thị trường; tăng cường kết nối gửi hàng mẫu tới các Hiệp hội, các nhà phân phối theo ngành nghề tại Malaysia.

Về khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho hay, cần tham gia các hoạt động tiếp xúc các các đoàn doanh nghiệp, Hiệp hội kinh doanh tại Malaysia để tìm hiểu tình hình, môi trường kinh doanh, khả năng kết nối với Việt Nam.

Đặc biệt, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia lưu ý, trong 2 năm bùng dịch Covid-19 đã có rất nhiều doanh nghiệp địa phương của Malaysia phá sản không còn khả năng kinh doanh nhưng trên hệ thống đăng ký kinh doannh vẫn có tên doanh nghiệp, do đó rất nhiều vụ lừa đảo đã xảy ra với doanh nghiệp Việt. “Các doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ thông tin như báo cáo tài chính trong 2-3 năm qua trước khi ký hợp đồng xuất nhập khẩu”- Thương vụ Việt Nam tại Malaysia khuyến cáo

Trong số các thành viên, Việt Nam là một trong số các quốc gia phê chuẩn CPTPP sớm nhất. Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn hiệp định này vào ngày 12/11/2018. Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 9/2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035.
Bảo Thoa

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/xuat-khau-sang-malaysia-co-hoi-dang-dan-xen-thach-thuc-233610.html