Hiện nay, huyện Than Uyên có hai đơn vị được Sở Công Thương Lai Châu hỗ trợ trong việc sản xuất gạo Séng Cù. Trong đó, Hợp tác xã Xây dựng Thanh Xuân đã được Sở Công Thương hỗ trợ nhằm đưa gạo Séng Cù lên sàn giao dịch thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
![]() |
Hợp tác xã Xây dựng Thanh Xuân đã được Sở Công Thương hỗ trợ để đưa sản phẩm gạo Séng Cù lên sàn giao dịch thương mại điện tử |
Năm 2021, sản phẩm gạo Séng Cù đã được tỉnh Lai Châu công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Gạo đặc sản Séng Cù Than Uyên". Để thương hiệu gạo Séng Cù ngày càng vươn xa, huyện Than Uyên đã triển khai dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và chế biến với quy mô diện tích lên tới hàng trăm ha. Toàn bộ sản phẩm của người nông dân sau thu hoạch sẽ do hợp tác xã thu mua và bao tiêu.
Dự án cũng hướng tới phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa đặc sản của địa phương. Trong đó, Hợp tác xã xây dựng Thanh Xuân thực hiện liên kết với khoảng 400 hộ nông dân thực hiện cấy lúa; trong đó giống lúa Séng Cù gần 100 ha tại xã Mường Cang, Hua Nà. Ngoài ra, hợp tác xã còn liên kết sản xuất các sản phẩm mới từ các giống lúa Tan Pỏm, Tẻ Tròn, tại xã Tà Hừa và Mường Than.
![]() |
Bà con phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác |
Không chỉ đơn thuần thực hiện liên kết và thu mua lúa sau thu hoạch cho người dân, Hợp tác xã Xây dựng Thanh Xuân còn thường xuyên hướng dẫn cho bà con từ cách ủ giống đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch, bảo quản lúa sau khi thu hoạch nếu gặp thời tiết bất lợi. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm ngặt việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát triển được giống lúa đặc sản của địa phương; tạo niềm tin trong liên kết sản xuất giữa người dân với hợp tác xã.
Với mục tiêu quyết tâm nâng hạng gạo Séng Cù từ 4 sao lên 5 sao trong năm 2022, cùng với duy trì liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, khép kín, Hợp tác xã Xây dựng Thanh Xuân tiếp tục đầu tư các hạng mục: Dây chuyền xay xát, giàn sấy, hệ thống nhà xưởng; thành lập trang web và tích cực đưa các sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử để quảng bá, giới thiệu.
![]() |
Cánh đồng Mường Than, huyện Than Uyên là vựa lúa lớn thứ 3 trên vùng đất Tây Bắc |
Với hướng đi như hiện nay, huyện Than Uyên đã bảo tồn và phát triển được giống lúa đặc sản của địa phương, thắt chặt liên kết sản xuất giữa người nông dân với hợp tác xã. Mô hình liên kết này đã thay đổi tư duy sản xuất của đồng bào dân tộc, nâng cao năng suất cây trồng và thu nhập cho bà con ngay từ chính đồng ruộng của quê hương mình.
Để sản phẩm gạo Séng Cù ngày càng vươn xa, huyện Than Uyên đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con về việc giữ gìn, xây dựng và phát triển thương hiệu. Địa phương khuyến cáo bà con phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác, chăm sóc như: Sản xuất giống, sản xuất lúa thương phẩm, bảo quản và chế biến sản phẩm gạo. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý quy chế thương hiệu, quy trình sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và kiểm soát chất lượng sản phẩm; xây dựng các kênh tiêu thụ, mở rộng thị phần…
Cánh đồng Mường Than, huyện Than Uyên là vựa lúa lớn thứ 3 trên vùng đất Tây Bắc và là cánh đồng lớn nhất tỉnh Lai Châu. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất màu mỡ, nguồn nước trong lành, khí hậu ôn hòa và đã tạo ra sản phẩm gạo Séng Cù Than Uyên thơm, dẻo, ngon đặc trưng. |