![]() | Hiệp định EVFTA tạo xung lực quan trọng cho thương mại Việt Nam - Bỉ |
![]() | Hợp tác trong thực thi cam kết về cạnh tranh trong Hiệp định EVFTA |
EVFTA mang lại lợi thế nhập khẩu và đầu tư
Ông Đỗ Hữu Hưng cho biết, không thể phủ nhận Hiệp định EVFTA đã tạo ra những lợi thế cạnh tranh rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang 27 nước thành viên khu vực Châu Âu. Trong năm 2021, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – EU đã đạt hơn 57 tỷ USD, tăng hơn 14% so với năm 2020. Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt trên 52 tỷ USD, tăng hơn 14%, riêng xuất khẩu tăng hơn 23%. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam bây giờ không chỉ tập trung vào các thị trường như Đức, Pháp và Hà Lan như trước đây mà các nhóm hàng xuất khẩu của chúng ta đã đẩy mạnh tăng trưởng đều cao hơn ở các thị trường khác, các thị trường nhỏ, các thị trường ngách như là khu vực Bắc Âu, Nam Âu hay là khu vực Đông Âu.
![]() |
EVFTA mang lại cơ hội để nhập khẩu nguyên liệu chất lượng từ EU |
Về nhập khẩu của Việt Nam trong hai năm qua, theo Bộ Công Thương ghi nhận thì tăng trưởng rất nhiều trong các nhóm chủ yếu là máy móc, thiết bị, sản phẩm linh kiện điện tử và các nguồn nguyên liệu từ khu vực Châu Âu. Nhóm sản phẩm máy móc, linh kiện điện tử, sản phẩm điện tử chiếm tới 24% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, nhóm hàng máy móc, thiết bị cũng đạt tỷ trọng trên 18%. Ngoài ra, các nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất của Việt Nam cũng tăng trên 10%, trong đó 8% là nhóm hàng các sản phẩm hóa chất.
Việc các doanh nghiệp đã tận dụng như thế nào lợi thế của EVFTA cho vấn đề nhập khẩu hàng hóa, theo Bộ Công Thương tìm hiểu và khảo sát thực tế từ doanh nghiệp trong quá trình tổ chức các hội đàm, phổ biến Hiệp định thương mại tự do thì chúng tôi nhận thấy, các doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt lợi thế của EVFTA để nhập khẩu các thiết bị máy móc, các nguồn nguyên liệu từ các nước Châu Âu và những thiết bị máy móc này, những nguồn nguyên liệu này để phục vụ cho chính quá trình sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp. Từ những thiết bị máy móc chất lượng tốt và nguồn nguyên liệu chất lượng tốt của EU thì nhiều doanh nghiệp đã tạo ra những sản phẩm tăng được giá trị gia tăng và từ đó chúng ta cũng đã tăng được kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam.
Chuẩn bị cho những bước chuyển biến mới
Ông Đỗ Hữu Hưng chia sẻ, hiện nay Việt Nam và các nước EU đang tập trung phát triển và tập trung quan tâm đến rất nhiều vấn đề mới như phát triển kinh tế bền vững, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng và đây là những lĩnh vực mà EU, các nước EU là các nước có thế mạnh. Những lĩnh vực ưu tiên này của EU rất phù hợp với chính sách phát triển và định hướng của Việt Nam.
"Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đã tận dụng tương đối tốt những lợi ích, lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Tuy nhiên vẫn còn những doanh nghiệp và các hàng hóa của Việt Nam chưa đạt được những tiêu chuẩn kỹ thuật, cụ thể là những tiêu chuẩn về vấn đề môi trường xã hội trong những chính sách của EU" - ông Hưng chia sẻ.
Phải khẳng định rằng EU là thị trường rất kỹ tính, khó tính và họ có những tiêu chuẩn chất lượng rất cao. Ví dụ, theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam thì từ khi Hiệp định thương mại EVFTA có hiệu lực thì phía EU đã công bố 74 dự thảo và 173 quy định liên quan đến mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó EU cũng đang quan tâm đến vấn đề môi trường và hiện là họ đang cụ thể hóa hơn, luật hóa hơn những vấn đề về môi trường trong thương mại. Ví dụ như mới đây Ủy ban Liên minh Châu Âu đã công bố quy định về cơ chế điều chỉnh carbon biên giới cũng như là liên quan về Luật chống chặt phá rừng.
Những điều này được đánh giá sẽ có phần nào ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Chúng ta có thể nói đây là những thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó những quy định của Châu Âu, nếu doanh nghiệp Việt Nam chúng ta đáp ứng được những tiêu chuẩn này thì cũng sẽ tạo ra được lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam.
Ví dụ như xu hướng tiêu dùng của các bạn hàng tại Pháp hiện nay là đang quan tâm đến các sản phẩm xanh, các sản phẩm bảo vệ môi trường và các sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp của Việt Nam thì để tìm ra được một doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn về hữu cơ, về bảo vệ môi trường rất là khó. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp từ EVFTA có thể tận dụng nguồn đầu tư của Châu Âu, tận dụng nguồn máy móc, nguồn nguyên liệu và công nghệ từ Châu Âu để từ đó chúng ta thay đổi được phương thức sản xuất, tạo ra được hàng hóa có chất lượng tốt hơn, bảo vệ môi trường hơn, phù hợp với xu hướng của tiêu dùng. Chúng ta nên sản xuất những sản phẩm mà họ cần chứ không phải là chúng ta chỉ tập trung vào những sản phẩm, quảng bá và xúc tiến thương mại, những sản phẩm mà chúng ta có và giới thiệu tới bạn.
"Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai rất tốt những cơ chế hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Châu Âu. Bên cạnh đó chúng tôi cũng thông qua hệ thống thương vụ phối hợp rất chặt chẽ với cả các doanh nghiệp và các cơ quan nước sở tại để tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được thị trường khu vực Châu Âu" - ông Hưng chia sẻ.
Bộ Công Thương cũng thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu thông tin về thị trường, cập nhật thường xuyên các xu hướng tiêu dùng của các nước EU tới cộng đồng doanh nghiệp thông qua các hội thảo, chương trình tập huấn.
Về phần Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công Thương là đơn vị đầu mối triển khai đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các kênh phân phối nước ngoài và mới gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án giai đoạn mới đến năm 2030. Mục tiêu chính của đề án là phối hợp với các kênh phân phối để đưa hàng hóa của Việt Nam lên kệ hàng của các phân phối tại khu vực không chỉ là châu Âu mà còn các nước khác trên thế giới.
Tuy nhiên khu vực châu Âu là một trong những khu vực quan trọng với những kênh phân phối rất lớn. Chính vì vậy trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các nhà nhập khẩu Châu Âu, các kênh phân phối lớn của Châu Âu để tổ chức các sự kiện lớn nhằm quảng bá hàng hóa Việt Nam sang các nước khu vực EU như các sự kiện Tuần hàng Việt Nam đã triển khai trong thời gian vừa qua rất hiệu quả.
Bên cạnh đó Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các kênh phân phối để hỗ trợ tập huấn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để tận dụng được nguồn lực của các nước Châu Âu nhằm giúp hàng hóa của chúng ta có lợi thế cạnh tranh thì chúng ta phải được hỗ trợ về đầu tư bài bản và phải có sự đào tạo từ các khâu như là khâu thiết kế bao bì cho đến là những hướng dẫn sử dụng… đều phải đáp ứng được những tiêu chuẩn kỹ thuật của Châu Âu. Chính vì vậy mà trong năm 2023 và các năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các kênh phân phối để tổ chức các chương trình đào tạo do các chuyên gia trực tiếp, các chuyên gia từ các kênh phân phối ở khu vực Châu Âu và Việt Nam hướng dẫn.
Về cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các thương vụ để cập nhật thường xuyên các thông tin về thị trường và giới thiệu sâu rộng với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam các sự kiện được tổ chức trong thời gian tới để chúng ta đẩy mạnh kết nối các nhà thu mua của châu Âu và các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.