![]() | Rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 |
![]() | Tái khởi động siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam |
Khởi công đồng loạt 12 dự án
Thông tin tại họp báo về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025, ông Lê Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải), cho biết trên cơ sở các cơ chế đặc thù được Nghị quyết 18 của Chính phủ cho phép, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp rốt ráo tổ chức thực hiện các thủ tục đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với hàng loạt công việc: lập khung chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư của 6 dự án thành phần; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của 12 dự án thành phần.
Theo ông Tiến, cùng đó là các thủ tục: thẩm duyệt phương án phòng cháy chữa cháy cho công trình hầm của 4 dự án thành phần; tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án… Các chủ đầu tư, tư vấn và cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông vận tải không quản ngày đêm, làm việc không có ngày nghỉ, ngày lễ, khắc phục các khó khăn địa hình hiểm trở, thời tiết mưa nhiều, nắng gắt để hoàn thành khối lượng rất lớn.
![]() |
12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẵn sàng khởi công đồng loạt dịp Tết Dương lịch 2023 |
Về 12 gói thầu khởi công trong năm 2022, Bộ Giao thông vận tải cho biết chủ đầu tư đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán từ tháng 11; lựa chọn nhà thầu xây lắp, thương thảo, ký hợp đồng trong tháng 12. Còn lại 13 gói thầu cũng đang được Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu để tổ chức thi công trước Tết Quý Mão.
Sau khi nhận bàn giao cọc giải phóng mặt bằng, các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng giải phóng mặt bằng và triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm, lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thực hiện chi trả và thu hồi đất. Đến ngày 1/1/2023, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần tại 12 vị trí trong đó có sự kết nối trực tuyến giữa các điểm cầu. Trong đó, điểm cầu trung tâm được đặt tại Quảng Ngãi. Hai điểm cầu chính được tổ chức tại Quảng Bình, Hậu Giang và 9 điểm cầu phụ khác.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, tính từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 44 ngày 11/1/2022 đến nay, trong vòng chưa đầy 1 năm, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thiện toàn bộ thủ tục, đảm bảo đủ điều kiện khởi công theo quy định của pháp luật toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025. Các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A trước đây thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục thông thường, thời gian từ khi phê duyệt đến thời điểm khởi công thường mất tối thiểu là 2 năm.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với hàng loạt cơ chế đặc thù được Chính phủ cho phép áp dụng cùng sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cùng sự vào cuộc rốt ráo của các địa phương có dự án đi qua cùng sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân vùng dự án đi qua. Do đó, một khối lượng công việc khổng lồ đã được giải quyết, rút ngắn 1/2 thời gian thực hiện thủ tục đầu tư so với dự án thông thường.
Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, đây là lần đầu Bộ Giao thông vận tải tổ chức khởi công các dự án đồng loạt tại các điểm cầu trên các vùng, địa phương có dự án đi qua cũng sẽ tạo hiệu ứng để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành giao thông vận tải cùng thống nhất nhận thức, thống nhất hành động, đồng tâm hiệp lực thực hiện các phong trào thi đua trên khắp các công trường từ ngày đầu tháng đầu của năm mới Quý Mão.
Đưa vào khai thác cao tốc đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 trước ngày 30/4/2023
Ông Nguyễn Danh Huy thông tin, trước khi khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, vào ngày 31/12 tới đây, cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn cũng sẽ được thông xe, đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, "với 3 dự án cao tốc còn lại, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, sự nỗ lực vượt qua khó khăn của nhà thầu, tư vấn giám sát, các ban quản lý dự án, đến ngày 31/12 cũng sẽ cơ bản đáp ứng điều kiện thông xe kỹ thuật, tiến tới hoàn thành, đưa dự án vào khai thác vào ngày 30/4/2023" - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho hay.
Đối với dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn, Bộ Giao thông vận tải cho biết đến nay đã hoàn thành và sẽ được tổ chức khánh thành đưa vào khai thác, sử dụng từ ngày 31/12/2022 theo tiêu chuẩn đường cao tốc.
Được biết, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài 98,3km đi qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng, khởi công tháng 9/2019. Dự án có điểm đầu Km0+00 trùng với Km10+380 Quốc lộ 9 thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối Km102+200 kết nối dự án La Sơn - Túy Loan thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Về tình hình triển khai 3 dự án thành phần gồm đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ Giao thông vận tải cho biết quá trình thi công gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt là đường điện cao thế) không đáp ứng tiến độ thi công.
Do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công, đặc biệt trong thời gian các tỉnh phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội, các công trường phải dừng thi công từ 4-6 tháng; cán bộ, công nhân không thể đến công trường do giãn cách, đặc biệt thời gian giãn cách trùng với mùa khô rất thuận tiện cho thi công. Thêm vào đó là việc thời tiết khu vực bất thường với mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ, nhiều cơn bão lớn ảnh hưởng thi công.
Bên cạnh đó, việc giá nhiên, nguyên, vật liệu có biến động lớn ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan, việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn dẫn đến thiếu hụt tài chính và thua lỗ cho nhà thầu gây ảnh hưởng đến tiến độ.
Nguyên nhân khác do các dự án đồng loạt triển khai với nhu cầu khối lượng vật liệu lớn dẫn đến thiếu hụt về nguồn cung, mặc dù Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết để tháo gỡ nhưng các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu, cấp phép khai thác kéo dài làm việc triển khai thi công còn chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ quan năng lực của một số nhà thầu còn hạn chế, nhà thầu chưa nỗ lực, huy động nhân lực, thiết bị và tài chính để triển khai thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Với mục tiêu thông xe kỹ thuật cả 3 dự án vào ngày 31/12/2022, trong thời gian qua, các đơn vị đã huy động nguồn lực tài chính, máy móc, thiết bị, nhân lực; tổ chức thi công “3 ca’, “4 kíp”. Do đó, sản lượng trung bình thi công tháng của các dự án trước đó chỉ từ 2,0 - 2,5% đã tăng lên 4,0 - 4,5%, tiến độ trên các công trường đã có chuyển biến rõ rệt (từ sản lượng tháng 9/2022 khoảng 50% đến 31/12/2022 sẽ đạt được gần 80% toàn dự án và trên 90% của tuyến chính).
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cho biết các Ban Quản lý dự án và các nhà thầu đã khắc phục mọi khó khăn, huy động đầy đủ nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án và sẽ đảm bảo thông xe kỹ thuật cả 3 dự án vào ngày 31/12/2022. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, nhà thầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục công việc còn lại để đưa các dự án này vào khai thác, sử dụng trước ngày 30/4/2023.