Cấn Dũng
Theo báo cáo của Cục Công nghiệp địa phương, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2016 được duyệt của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là trên 65,5 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) là trên 28,6 tỷ đồng. Hiện 20/20 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) với tổng kinh phí trên 36,8 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, các địa phương đã tổ chức đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho 331 lao động; nâng cao năng lực quản lý và khởi sự cho 369 người; thực hiện 5 mô hình trình diễn kỹ thuật; hoàn thành hỗ trợ 59 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào dây chuyền sản xuất công nghiệp....
Tuy nhiên, so với kế hoạch, tiến độ thực hiện và giải ngân kinh phí khuyến công của các địa phương đạt thấp, như nội dung đào tạo nghề chỉ đạt 5,52%; đào tạo nâng cao năng lực đạt 19,82%; bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu đạt 10,56%. Nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn và ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất đạt tỷ lệ khả quan hơn với 30,62% kế hoạch....
Theo đánh giá của Cục Công nghiệp địa phương, tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một số cán bộ làm công tác khuyến công của địa phương chưa có kinh nghiệm, nhất là trong lĩnh vực tư vấn lập đề án, khiến nhiều đề án phải điều chỉnh, thậm chí ngừng thực hiện. Đa số các cơ sở CNNT là doanh nghiệp nhỏ và hộ cá thể nên khả năng huy động vốn không cao, dễ có biến động trong quá trình đầu tư. Hơn nữa, quá trình từ khi khảo sát, xây dựng đề án đến khi có quyết định phân giao thực hiện kéo dài trên 6 tháng, do đó, một số cơ sở vướng mắc về tài chính, công nghệ đã không triển khai được phải xin ngừng, điều chỉnh, ảnh hưởng đến kế hoạch chung.
Đặc biệt, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khuyến công còn một số nội dung vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể, như hỗ trợ đầu tư phòng trưng bày sản phẩm; hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các cơ sở sản xuất di dời vào các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ thành lập cụm liên kết công nghiệp, sản xuất sạch hơn…, đã gây khó khăn trong quá trình triển khai và thực hiện. Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công và các văn bản hướng dẫn đã được ban hành nhưng ở nhiều địa phương còn chậm xây dựng văn bản hướng dẫn phù hợp với tình hình tại địa phương. Cụ thể, hiện 4/20 tỉnh, thành phố chưa xây dựng được chương trình khuyến công địa phương giai đoạn; 7/20 địa phương chưa xây dựng được quy chế về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công địa phương....
Trước hiện trạng giải ngân kinh phí quá chậm so với kế hoạch đặt ra, Cục Công nghiệp địa phương đề nghị các tỉnh, thành phố trong khu vực tập trung triển khai tốt các đề án KCQG và KCĐP đã được giao đúng tiến độ, hiệu quả, chất lượng; quản lý sử dụng có hiệu quả kinh phí khuyến công và thực hiện công tác thanh quyết toán, thanh lý các hợp đồng theo đúng quy định.
Để đạt được mục tiêu này, các địa phương chủ động hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến công còn thiếu; hỗ trợ có trọng tâm để các đề án khuyến công tạo nên chuỗi giá trị trong một số ngành, lĩnh vực thế mạnh; tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án nước ngoài đang triển khai, lồng ghép các chương trình để tăng thêm kinh phí cho hoạt động khuyến công; phối hợp hoạt động giữa chương trình khuyến công với các chương trình khác như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình xóa đói giảm nghèo..., nhằm gia tăng hiệu quả; nâng cao năng lực của các đơn vị làm công tác khuyến công thuộc Sở Công Thương, phòng kinh tế, kinh tế hạ tầng, đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước tại địa phương.
Việt Nga