Nhu cầu năng lượng ngày càng lớn
Theo Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), nhu cầu năng lượng của Việt Nam đang tăng nhanh, khoảng 11,5% trong giai đoạn 2001-2010, nhu cầu tiêu thụ điện cũng tăng trung bình khoảng 11%/năm giai đoạn 2011-2015. Từ một nước xuất khẩu năng lượng, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng, dự kiến nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than, chiếm hơn 30% nhu cầu than cho phát điện vào năm 2020.
Trước thực trạng về sức ép năng lượng, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam nêu rõ: Việt Nam nằm trong top những nước tiêu thụ năng lượng tương đối lớn trong khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế liên tục với tốc độ khá cao của Việt Nam giúp cải thiện mức sống của người dân và làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng. Dự báo nhu cầu điện theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, điện thương phẩm năm 2020 sẽ vào khoảng 235-245 tỷ kWh; năm 2025 khoảng 352-379 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 506-559 tỷ kWh.
“Nhu cầu than riêng cho ngành điện đến năm 2020, với tổng công suất là 26.000MW, sản xuất khoảng 131 tỷ kWh điện, chiếm 49,3% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than; năm 2025, tổng công suất là 47.600MW, sản xuất 220 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ 95 triệu tấn than; năm 2030, tổng công suất khoảng 55.300MW, sản xuất 304 tỷ kWh, chiếm khoảng 53,2% điện sản xuất, tiêu thụ lên tới 129 triệu tấn than. Như vậy, tỷ trọng nhiệt điện sử dụng than ngày càng tăng”, ông Biên chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng khẳng định, với nhu cầu điện ngày càng tăng cao, bản thân ngành điện cũng cần một lượng vốn rất lớn để đầu tư các dự án. Theo tính toán từ nay đến năm 2020, mỗi năm cần gần 8 tỷ USD, trong đó 75% đầu tư nguồn điện, 25% đầu tư cho lưới điện. Còn giai đoạn 2021 đến 2030 cần tới 10,8 tỷ USD.
Đánh giá về nguyên nhân khiến sức ép về năng lượng ngày càng lớn, TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương phân tích: “Nhìn vào lĩnh vực cốt lõi của ngành công nghiệp là công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, trong suốt 30 năm chỉ tạo ra đóng góp nhỏ cho nền kinh tế. Đây là ngành thể hiện sự cạnh tranh, tiết kiệm năng lượng và đua tranh thế giới nhưng phát triển thấp. Điều này liên quan đến tư duy phát triển kinh tế, gắn trực tiếp với phát triển năng lượng thời gian qua”.
Tăng nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo
Để giảm thiểu sức ép về năng lượng trong thời gian tới, theo ông Lê Tuấn Phong - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Việt Nam cần nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cải thiện việc hoạch định chiến lược phát triển ngành năng lượng, quy hoạch năng lượng, xây dựng năng lượng, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo đó, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, năm 2015, tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc của Việt Nam là khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2020 đạt khoảng 100-110 triệu TOE năng lượng sơ cấp và khoảng 310-320 triệu TOE vào năm 2050.
Nói thêm về lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kế hoạch (Tổng cục Năng lượng) cho biết, phải ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện: Tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (không kể nguồn thủy điện lớn và vừa, thủy điện tích năng) đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030.
Mục tiêu chiến lược đề ra cũng cho thấy, đến năm 2020 hầu hết các hộ dân Việt Nam có điện, đến năm 2030 được tiếp cận dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững, giá hợp lý. Giảm phát thải khí nhà kính 5% vào năm 2020, và 45% năm 2050. Tăng tỷ lệ hộ sử dụng thiết bị năng lượng mặt trời từ 4,3% năm 2015 lên 50% vào năm 2050.
Bên cạnh đó, gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo theo lộ trình, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng: Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng, Việt Nam cần quy hoạch và hoạch định chiến lược năng lượng, trong đó hướng tới mục tiêu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và tăng việc sử dụng năng lượng sạch. |
Lan Anh