Lễ đón nhận bằng di tích
Thăng Long, Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh những giá trị văn hóa lâu đời của đất nước, là nơi tỏa sáng những giá trị tốt đẹp, đồng thời là nơi giao lưu văn hóa với bầu bạn bốn phương. Nơi đây cũng là địa bàn sinh sống của người Việt cổ, là mảnh đất đậm đặc các di tích vật thể và phi vật thể từ thần thoại, truyền thuyết, đến đền đài, miếu mạo... phản ánh sâu sắc quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Các truyền thuyết về đức Thánh Tản, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, các vị thành hoàng đã có công khai phá bờ cõi và các làng nghề truyền thống hầu như có mặt ở khắp nơi trên đất Thăng Long – Hà Nội.
Chính những giá trị văn hóa và lịch sử đặc biệt, ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với 5 di tích của Hà Nội gồm: Di tích lịch sử Đền Hai Bà Trưng ở huyện Mê Linh, di tích lịch sử Đền Hát Môn - huyện Phúc Thọ, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Phù Đổng - huyện Gia Lâm, di tích lịch sử và danh thắng Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn - quận Hoàn Kiếm, di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Tây Đằng - huyện Ba Vì.
Với việc công nhận thêm 5 Di tích Quốc gia đặc biệt lần này đã nâng tổng số Di tích Quốc gia đặc biệt của TP Hà Nội lên 9 di tích trên tổng số 2.311 di tích được xếp hạng trên địa bàn thành phố.
Với quan điểm “Bảo tồn di sản cho muôn đời”, 3 năm qua Hà Nội đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa của thành phố để cải tạo, tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp cho 645 di tích. Việc “giúp sức” cho các di tích Hà Nội trường tồn với thời gian là yếu tố quan trọng để Hà Nội hấp dẫn hơn trong mắt khách du lịch.
Tuy nhiên, theo PGS, TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Thời gian tới công tác tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích quốc gia đặc biệt ở Hà Nội nên được triển khai bằng các dự án mang tính liên ngành, như thế thì mới tạo được sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Chẳng hạn, khi tu bổ, tôn tạo di tích Cổ Loa, chúng ta không thể nhìn nhận di tích này dưới góc độ một di tích đơn lẻ. Cổ Loa là một trong những di sản đô thị, có đình, đền, chùa, có các vòng thành nhưng cũng có dân cư sinh sống từ lâu đời. Khi tiến hành trùng tu, tôn tạo, nếu chúng ta đưa hết dân cư ra khỏi các vòng thành, đắp lại các đoạn tường thành đã mất thì di tích này sẽ chỉ như con đê. Ngược lại, nếu tu bổ, bảo tồn có chọn lọc, giữ lại một cách hợp lý các đoạn tường thành, biến cuộc sống sinh hoạt của người dân thành một loại hình dịch vụ du lịch, giữ lại các giá trị văn hóa phi vật thể, chắc chắn hiệu quả bảo tồn sẽ cao hơn.
Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, kho tàng di sản văn hóa luôn là sức sống mãnh liệt để Thăng Long - Hà Nội vượt qua mọi thách thức. Tuy nhiên, để các di tích ấy trường tồn theo thời gian thì thành phố Hà Nội rất mong nhận được sự cộng tác, giúp đỡ tích cực hơn nữa của các ngành, các cấp, của đồng bào Thủ đô và cả nước cùng kiều bào và bè bạn quốc tế cùng quan tâm, gìn giữ và ủng hộ - Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh./.
Đình Tây Đằng thuộc thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì thờ Tam vị thánh Tản Viên là Sơn Tinh, Cao Sơn, Quý Minh. Ðình được dựng vào khoảng cuối thế kỷ 16, gồm 5 gian 4 mái và 48 cột lớn nhỏ. Trải qua 400 năm, ngôi đình hình chữ Nhất này vẫn giữ nhiều nét kiến trúc đặc trưng của thời nhà Mạc. Khu di tích Phù Đổng thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm xưa nay vẫn là không gian diễn xướng của hội Gióng, đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đền Hai Bà Trưng ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh là ngôi đền mang kiến trúc nội công ngoại quốc đặc trưng, từ lâu đã được biết đến là một trong những biểu tượng anh hùng của VN gắn với chiến công của nữ tướng Hai Bà Trưng. Cũng gắn với huyền tích của Hai Bà Trưng, Đền Hát Môn, thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ lại là nơi lịch sử và huyền thoại giao thoa trong một vùng đất văn hóa được coi là nơi hai bà tuẫn tiết. Quần thể kiến trúc đền Ngọc Sơn có vẻ đẹp cổ kính, hài hòa với thiên nhiên, là nơi chứa đầy các biểu tượng lịch sử và văn hóa, mang đậm tâm hồn, tư tưởng của kẻ sĩ Bắc Hà. Cùng với quần thể khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn là một di tích văn hóa-lịch sử tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. |
Hà Hồng – T.Tâm