Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt NamTổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Ông Nguyễn Văn Huyện
Đa dạng giải pháp kiểm tra tải trọng xe
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ, với vai trò là cơ quan thường trực thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe, ngay từ đầu năm 2015, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các cục quản lý đường bộ, các đơn vị trực thuộc phối hợp với các sở giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam, công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an trong công tác kiểm tra tải trọng xe (KTTTX); chủ trì dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác KTTTX; tiến hành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, bao gồm thay đổi kích thước thùng chở hàng trái phép đối với xe ô tô tải tự đổ trên các quốc lộ, các nhà máy, xí nghiệp, kho bãi, bến cảng….
Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện được triển khai rộng khắp trên toàn quốc. Các lực lượng chức năng như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, cảnh sát khác, kiểm soát quân sự mà nòng cốt là lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông, thanh tra các cục quản lý đường bộ đã khắc phục khó khăn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát liên tục 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần. Việc này đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe chấp hành quy định về vận tải đường bộ. Tình trạng xe ô tô chở hàng quá tải nhờ đó đã giảm nhiều, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Kết quả tại các trạm kiểm tra tải trọng xe và thanh tra các sở giao thông vận tải: Từ 1/1 đến hết ngày 31/12/2015, các trạm KTTTX trên cả nước và thanh tra các sở giao thông vận tải sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 710.788 xe, phát hiện 52.328 xe vi phạm, trong đó 3.900 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 21.890 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc nhà nước 373 tỷ đồng. |
Kết quả tại các cục quản lý đường bộ:
Thanh tra 4 cục quản lý đường bộ đã tiến hành kiểm tra và xử lý 2.802 xe, trong đó có 2.079 xe vi phạm về tải trọng, 601 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, xử phạt nộp Kho bạc nhà nước 44,7 tỷ đồng.
Các cơ quan truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Công an nhân dân, Truyền hình VTC, Báo Giao thông, Báo Công an Nhân dân, báo, đài địa phương... tiếp tục vào cuộc quyết liệt trong công tác tuyên truyền, vận động, mang lại hiệu quả tích cực và được dư luận xã hội, các hiệp hội nghề nghiệp đồng tình ủng hộ; đồng thời phản ảnh về hiện tượng bất cập trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.
Qua theo dõi kết quả, báo cáo của các cục quản lý đường bộ và phản ánh của các cơ quan thông tấn báo chí, phản ánh của người dân về đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các địa phương đã làm tốt công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, lượng xe chở hàng quá tải.
Cơ bản kiểm soát được xe quá tải
Với những giải pháp kể trên, nhìn chung trên phạm vi toàn quốc không còn tình trạng xe quá tải lưu thông đường dài (tuyến Bắc - Nam), chỉ còn khoảng 1% xe quá tải lưu thông trong phạm vi vùng, qua các tỉnh lân cận; không còn xe vi phạm chở hàng quá tải trên 300%, chủ yếu mức quá tải từ 20-50%, mức quá tải trên 50%, trên 100% không đáng kể, tổng thể số lượng xe quá tải đã giảm khoảng 91,5% (còn khoảng 8,5% xe quá tải).
Ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định, dù hoạt động trong hoàn cảnh rất nhiều khó khăn, như kinh phí cấp cho hoạt động kiểm soát tải trọng xe của các sở giao thông vận tải, các cục quản lý đường bộ, các trạm KTTTX rất thấp (dưới 1 tỷ đồng/năm). Các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, điều kiện làm việc rất khó khăn, chế độ chính sách thấp hoặc không có, không thống nhất. Đây là những khó khăn khiến yêu cầu thực tiễn chưa được đáp ứng. Bên cạnh đó, vị trí mặt bằng đủ điều kiện đặt bàn cân, đủ rộng để dừng xe đảm bảo an toàn còn hạn chế. Lực lượng trực tiếp tham gia kiểm soát tải trọng xe mỏng, còn phải tham gia thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.… Do đó, những kết quả trên đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn của lực lượng giao thông và thực sự đáng được ghi nhận.
Phát huy hiệu quả đã đạt được, trong thời gian tới, Tổng cục Đường bộ sẽ có giải pháp nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm, bảo đảm số xe vi phạm trong số xe dừng cân kiểm tra đạt tỷ lệ từ 70% trở lên, hạn chế đến mức thấp nhất việc dừng xe kiểm tra mà không vi phạm; các vi phạm được phát hiện trên tuyến phải được tiến hành làm rõ quá trình vi phạm theo đúng nội dung trong Kế hoạch cao điểm. Lực lượng thanh tra giao thông vận tải nắm bắt tình hình, phản ánh của báo chí và người dân; căn cứ tình hình thực tế, chủ động có kế hoạch kiểm tra, thanh tra đột xuất trên các tuyến giao thông, kiểm tra hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện và kích thước thành và thùng xe; tập trung kiểm tra tại các đầu nguồn hàng, khu vực cảng, bến, mỏ vật liệu, công trình, dự án lớn; đặc biệt là các trường hợp san tải trước khi vào cảng, dồn tải sau khi ra khỏi cảng, và xử phạt vi phạm hành chính đối với từng chủ thể có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật...
Đặng Hiền