Miến dong Bình Liêu được phơi khô hoàn toàn bằng ánh nắng
Tinh hoa vùng đất khó
Được làm từ củ dong riềng, miến dong là sản phẩm đặc trưng của bà con dân tộc huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Khác với những loại miến bình thường có màu vàng hoặc trắng, miến dong Bình Liêu có màu xanh lục, hơi ngả xám, sợi dài, nhỏ, vị dai giòn rất đặc trưng. Màu sắc và hương vị đặc trưng ấy có được là do người dân chỉ sử dụng duy nhất một loại nguyên liệu đầu vào là tinh bột củ dong riềng để làm miến, không sử dụng phụ gia và hóa chất.
Củ dong riềng Bình Liêu cũng có những đặc trưng riêng. Người làng lý giải, Bình Liêu không được thiên nhiên ban cho những cánh đồng màu mỡ nhưng những khoảnh đất núi khô cằn lại hợp với dong riềng. Chắt lọc trọn vẹn tinh hoa từ đất, những hạt sương ngọt từ trời nên củ dong riềng Bình Liêu có chất lượng tốt, ít xơ, nhiều bột. Với giá thu mua khoảng 3.000đ/kg, củ dong riềng cho người dân thu nhập khoảng trên 120 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với các cây trồng khác.
Cùng với nguồn nguyên liệu đặc trưng, miến dong Bình Liêu được chế biến bằng bí quyết truyền thống của người dân địa phương, như dùng nước suối sạch đầu nguồn, phơi khô hoàn toàn nhờ ánh nắng… Miến thích hợp để chế biến rất nhiều món ăn khác nhau như nấu canh, xào, ăn kèm lẩu… Người Bình Liêu trước đây tráng miến bằng tay, sản xuất miến theo kiểu hộ gia đình, nhưng giờ đây, đã có một số cơ sở lớn sản xuất miến dong bằng máy. Làm miến đã trở thành một nghề mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con Bình Liêu. Chị Nguyễn Thị Hiền, xã Đồng Tâm chia sẻ: “Trồng dong riềng hay làm miến có thể mang lại khoản thu nhập vài chục triệu đồng/năm cho gia đình tôi”.
Nổi tiếng vì sự thơm ngon và hương vị đặc trưng nên miến dong Bình Liêu ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Ông Nguyễn Xuân Bách - Chủ cơ sở sản xuất miến dong Đồng Tâm, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu cho biết, dù được bán với giá gấp 3 lần miến dong thường (khoảng 80.000 đồng/kg) nhưng sản phẩm không đủ để phân phối cho người tiêu dùng. Sản phẩm hiện chỉ đủ để phân phối cho một số thị trường lân cận như Hà Nội và các huyện trên địa bàn Quảng Ninh.
Xây dựng thương hiệu
Xác định miến dong có thể trở thành sản phẩm giúp người dân xóa đói giảm nghèo, UBND huyện Bình Liêu đã đề ra nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững loại sản phẩm này. Để đáp ứng nhu cầu thu mua nguyên liệu ngày càng cao của các cơ sở sản xuất, Bình Liêu đã quan tâm mở rộng vùng nguyên liệu bằng cách vận động và hỗ trợ giống, vốn để bà con phát triển vùng trồng cây dong riềng đồng thời khuyến cáo người dân không dùng hóa chất độc hại trong trồng, chăm bón dong riềng. Bằng những giải pháp đó, năm 2013, vùng nguyên liệu trồng cây dong riềng trên toàn huyện đã đạt gần 156 ha, tăng trên 30% so với năm 2012, trong đó có những xã như Húc Động có đến 100% diện tích đất nông nghiệp được trồng dong riềng. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2015, vùng nguyên liệu dong riềng đạt trên 250ha.
Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, ngay từ năm 2007-2008, huyện Bình Liêu đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền thương hiệu “đặc sản miến dong Bình Liêu”. Hiện, nhiều cơ sở chế biến miến trên địa bàn huyện đã có bao bì, mẫu mã, mã vạch riêng cho sản phẩm của mình. UBND tỉnh cũng đã có Quyết định số 273 về việc “xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đến năm 2015”, theo đó, sản phẩm miến dong Bình Liêu được hỗ trợ phát triển quyền sở hữu trí tuệ loại “Nhãn hiệu chứng nhận” giai đoạn từ nay đến năm 2015.
Từ một nông sản truyền thống với thị trường tiêu thụ hạn hẹp, đến nay miến dong Bình Liêu đã trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương. Không chỉ trở thành sản phẩm giúp người dân thoát nghèo mà thương hiệu miến dong Bình Liêu đã và đang được nhiều người biết đến và ưa chuộng./.
Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015 đã hỗ trợ 4,2 tỷ đồng cho cơ sở sản xuất miến dong Đồng Tâm - cơ sở sản xuất miến dong sạch lớn nhất Bình Liêu để xây dựng mô hình vùng sản xuất và chế biến bột dong riềng sạch. Nhờ sự hỗ trợ này, đến nay, mỗi năm, cơ sở sản xuất miến dong Đồng Tâm đã sản xuất và phân phối ra thị trường khoảng 250 tấn miến/năm. |
Phương Lan