Cải thiện khai thác hải sản theo hướng bền vững

08:14 | 27/06/2014 In bài biết
(VEN) - Khai thác hải sản ở Việt Nam hiện có quy mô nhỏ, hoạt động tập trung ở khu vực gần bờ. Vì vậy, thách thức lớn nhất chính là tình trạng khai thác quá mức, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản ven bờ cũng như những hạn chế trong thực thi pháp luật và các quy định liên quan đến khai thác….

GS Robert Pomeroy đề cao vai trò đồng quản lý trong lĩnh vực thủy sản - Ảnh Tiến Dũng - Lan Anh

Đó là một số nội dung được đề cập đến tại Hội thảo tham vấn quốc gia “Nghiên cứu khả thi và đề xuất các giải pháp cải thiện khai thác hải sản theo hướng bền vững tại Việt Nam” do Tổng cục Thủy sản phối hợp với Tổ chức Bảo tồn đại dương (Oceana) và Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) tổ chức.

Nguy cơ suy giảm nguồn lợi

Báo cáo nghiên cứu do MCD và Viện Kinh tế - quy hoạch thủy sản (VIFEP) tiến hành cho thấy, khai thác hải sản ở Việt Nam có đặc trưng là khai thác đa loài và đa ngư cụ, tập trung ở 4 ngư trường chính là: Vịnh Bắc Bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ. Các loài khai thác quan trọng như cá ngừ, cá cơm, bạch tuộc với các loại ngư cụ phổ biến là: lưới rê, lưới kéo, cần câu.

Mặc dù khai thác hải sản đem lại lợi ích cao nhưng còn tồn tại nhiều vấn đề, thách thức như năng suất đánh bắt còn thấp, tỷ lệ cá tạp và cá con trong đánh bắt ngày càng tăng, số lượng các tàu cá hoạt động tại vùng gần bờ là khoảng 42,4%, tại vùng khơi là 40,7%, trong khi đó chỉ có 16,9% tàu cá hoạt động tại vùng ngoài khơi.

“Việc đánh bắt quá mức tại các khu vực gần bờ dẫn tới tình trạng suy giảm và cạn kiệt môi trường biển, gây thách thức cho công tác phục hồi các nguồn lợi hải sản ven bờ. Ngoài ra, khai thác bằng phương pháp hủy diệt như dùng xung điện, hóa chất độc hại trong mùa sinh sản của một số loài như mực, cá, cua… đã gây ra tác động nghiêm trọng tới nguồn tài nguyên biển hiện nay”, bà Thân Thị Hiền, đại diện nhóm nghiên cứu nhận định.

Cũng theo bà Hiền, đặc thù kinh tế - xã hội của nghề cá quy mô nhỏ còn gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho việc đảm bảo thu nhập hộ gia đình và sinh kế của ngư dân cũng như vấn đề an ninh lương thực, trong khi đó quá trình chuyển đổi từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ là thách thức lớn đối với ngư dân do yêu cầu cao hơn nhiều về trình độ kỹ thuật cũng như nguồn vốn, trong khi phần lớn ngư dân có trình độ dân trí thấp và những ngư dân đánh bắt gần bờ thường có độ tuổi cao. Ngoài ra, khai thác xa bờ còn đặt ra nhu cầu về hoàn thiện thể chế, phát triển xã hội và các sinh kế thay thế cho ngư dân.  

Giảm đánh bắt quá mức

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, thông qua việc thực hiện Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 1/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện tái cơ cấu ngành khai thác hải sản theo hướng phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng. Đây là cơ hội để rà soát, xử lý các vấn đề và phát triển bền vững nghề cá, đảm bảo đem lại lợi ích và giá trị cho tất cả các thành phần tham gia, đặc biệt là đối với ngư dân.

Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã đưa ra khuyến cáo và kiến nghị nhằm phát triển bền vững hải sản Việt Nam, trong đó đề xuất giảm đánh bắt quá mức và các phương pháp đánh bắt hủy diệt bao gồm hóa chất độc hại, nghề lưới kéo đáy; tổ chức lại hệ thống ngư cụ, mùa khai thác, hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho ngư dân nhằm bù đắp hoặc đền bù giúp họ đảm bảo cuộc sống trong các giai đoạn ngừng đánh bắt.

Theo đề xuất, từ nay đến năm 2020, Việt Nam nên duy trì khai thác ổn định ở mức 2,4 triệu tấn thủy sản mỗi năm, trong đó có 2,2 triệu tấn từ khai thác biển và 0,2 triệu tấn khai thác nội địa; giảm số lượng tàu đánh bắt 1,5% mỗi năm; tỷ lệ tàu thuyền hoạt động gần bờ giảm từ 83% xuống còn 70% vào năm 2020 và số lượng các tàu xa bờ xấp xỉ 28.000-30.000 chiếc.

Mặt khác, cần phải tái tạo nguồn tài nguyên vùng ven biển và nguồn lợi hải sản, xác định các vùng sinh thái để thực hiện tái tạo nguồn tài nguyên ven biển, ứng dụng và thí điểm thực hiện cơ chế chi trả dịch vụ môi trường bao gồm các hệ sinh thái ven biển và hệ sinh thái biển, nhằm phục hồi khả năng khai thác hải sản của ngư dân.  

GS. Robert Pomeroy - Đại học Connecticut (Hoa Kỳ), thành viên nhóm nghiên cứu thì cho rằng, cần áp dụng nhiều hơn phương pháp đồng quản lý và quản lý thích ứng trong lĩnh vực thủy sản thông qua việc chia sẻ một số quyền hạn quản lý cho các thành viên cộng đồng tại các vùng ven biển với sự tham gia của Nhà nước và các bên hữu quan. Bên cạnh đó, hỗ trợ việc sử dụng cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái đối với hoạt động quản lý thủy sản bởi điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình tái tạo và phục hồi nguồn lợi hải sản của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Cũng theo GS Robert Pomeroy, để giảm tổn thất sau thu hoạch và gia tăng chất lượng thủy sản, tới đây, Nhà nước cần đẩy mạnh năng lực thông qua hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho ngư dân; cải tiến công nghệ, ngư cụ, gia tăng khả năng thích ứng của các cộng đồng ngư dân và hỗ trợ sinh kế, đặc biệt đối với các hộ ngư dân đánh bắt nhỏ lẻ bởi đây là đối tượng dễ bị hứng chịu tổn thất sinh kế nhất…/.

Tiến Dũng - Lan Anh

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/cai-thien-khai-thac-hai-san-theo-huong-ben-vung-210378.html