Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội: Vấn đề lao động được đặt ra trong đàm phán TPP, bao gồm: Quyền thương lượng của người lao động đối với chủ sử dụng lao động, lương, ngày làm việc, điều kiện lao động, bảo hiểm, quyền trong việc ký kết các hợp đồng lao động… Các quy định về lao động trong TPP sẽ giúp Việt Nam đồng thời đạt được hai mục tiêu phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Bởi lẽ, gia nhập TPP hạn chế về dịch chuyển cũng như sự tự do hóa trong thị trường lao động ngày càng rõ nét, TPP cũng sẽ giúp giảm bớt hành vi vi phạm các nguyên tắc và quyền lao động và giảm tình trạng bất bình đẳng về tiền lương, tình trạng thất nghiệp kéo dài…
Trên thực tế, lao động hiện vẫn là lợi thế cạnh tranh lớn về giá, thu hút đầu tư của Việt Nam, đặc biệt trong các ngành hàng đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu hiện nay như: Sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại, dệt may, da giày… Lao động Việt Nam vẫn được đánh giá là khéo léo, sáng tạo, thông minh, tiếp thu nhanh kỹ thuật và công nghệ hiện đại chuyển giao từ nước ngoài.
Dưới tác động của hàng loạt chính sách như: Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020; Đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015; Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020…chất lượng lao động của Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt. Lao động qua đào tạo ngày một tăng.
Đặc biệt, Việt Nam đã hợp tác với một loạt các nước nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tiêu biểu, Nhật Bản đã cam kết dành cho Việt Nam một khoản ODA nhằm đào tạo mỗi năm từ 200-300 ý tá tại Nhật Bản. Hỗ trợ xây dựng hệ thống kiểm định và cấp chứng chỉ hành nghề. Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức cũng tài trợ cho Việt Nam triển khai dự án Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam. Quỹ Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ tài trợ thực hiện dự án “Cải thiện sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển bền vững chuỗi giá trị dâu tằm tơ và dệt vải ”…
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài cũng cho rằng, TPP cũng sẽ mang lại áp lực không nhỏ cho thị trường lao động Việt Nam. Bởi cung cầu lao động chưa thực sự thông qua thị trường tạo nên ách tắc trong quá trình giải quyết mối quan hệ lao động và việc làm.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ ra: Điểm yếu lớn nhất của thị trường lao động Việt Nam là chất lượng nguồn cung chưa cao. Bên cạnh đó, tình trạng mất cân đối trong đội ngũ lao động đã qua đào tạo và cơ sở hạ tầng cho thị trường lao động như hệ thống thông tin nhân lực còn yếu và thiếu.
Có thể thấy rõ, khi Việt Nam gia nhập TPP sẽ có một dòng chảy lao động nước ngoài vào thị trường trong nước. Chất lượng lao động thấp là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp phải sử dụng người nước ngoài. Để hạn chế tình trạng này, đồng thời giải tỏa áp lực cho thị trường lao động Việt Nam, theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, đầu tiên phải gỡ nút thắt chất lượng nguồn cung nhân lực. Bên cạnh đó cần tăng cường xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, bởi đây là cơ hội để người lao động có điều kiện học tập về kỹ thuật, tiếp cận công nghệ hiện đại, tích lũy kinh nghiệm…Đẩy mạnh sự liên kết giữa các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành với nhu cầu sử dụng lao động, quản lý tốt nguồn lao động. Mở rộng đối tượng cho vay các nguồn quỹ tín dụng việc làm, quỹ hỗ trợ đào tạo nghề…giúp người lao động có khả năng tự tạo việc làm./.
Hải Linh