Tái cơ cấu ngân hàng: Vấn đề ngắn hạn đã được giải quyết

14:15 | 15/04/2014 In bài biết
(VEN) - Nhìn lại, 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngân hàng thương mại, những vấn đề mang tính ngắn hạn đã được giải quyết như sắp xếp lại, đảm bảo khả năng chi trả của hệ thống, xử lý ngân hàng yếu kém.... Tuy nhiên, về lâu dài việc kiểm soát chặt nợ xấu và củng cố toàn diện ngân hàng mạnh được coi là những nhiệm vụ trọng tâm.

Cần tập trung xử lý dứt điểm và kiểm soát chặt chẽ nợ xấu không để tăng trở lại.

Đề án tái cơ cấu ngân hàng thương mại đã thực hiện được 2 năm (từ tháng 3/2012) xác định có 9 ngân hàng thương mại cổ phẩn (NHTMCP) yếu kém phải tái cơ cấu. Đến nay, hầu hết các phương án tái cơ cấu lại số ngân hàng yếu kém đã được phê duyệt và thực hiện. Trong đó, 3 ngân hàng là SCB, Tín Nghĩa, Đệ Nhất đã hợp nhất thành NHTMCP Sài Gòn - SCB; Ngân hàng Phương Tây hợp nhất với Tổng công ty Tài chính dầu khí (PVFC); Ngân hàng Habubank sáp nhập vào Ngân hàng SHB; 3 ngân hàng khác đã được chấp thuận phương án tự cơ cấu lại (trong đó có 1 trường hợp đang thẩm định phương án). Các ngân hàng thực hiện tái cơ cấu đều hoạt động ổn định và tốt hơn trước.

Quá trình tái cơ cấu đã có sự sắp xếp lại về cấu trúc hệ thống cũng như số lượng. Tính đến cuối năm 2013, Việt Nam có 5 NHTM nhà nước, 34 NHTMCP tư nhân, 5 ngân hàng liên doanh và 5 ngân hàng nước ngoài. Các NHTM nắm giữ 95% thị phần tín dụng và quy mô tài sản của hệ thống tín dụng. Tình trạng phân bố bất hợp lý mạng lưới ngân hàng giữa thành thị và nông thôn đang dần được khắc phục.

Hai năm vừa qua, thanh khoản của các NHTM đã có sự cải thiện mạnh mẽ từ chỗ nhiều ngân hàng có thể rơi vào trạng thái mất khả năng thanh toán cuối năm 2011 chuyển sang ổn định và khá dồi dào thanh khoản từ giữa năm 2012 đến nay. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cũng có xu hướng giảm, trước tái cơ cấu tỷ lệ này dao động ở mức 20%, hiện nay dao động ở mức 17%.

Khác với xu hướng tăng mạnh tài sản trong giai đoạn 2005-2011 (gấp 5 lần), trong 2 năm tái cơ cấu, quy mô tổng tài sản của toàn hệ thống chỉ tăng nhẹ từ 4.994.000 tỷ đồng năm 2011 lên 5.367.000 tỷ đồng năm 2013 và chất lượng tài sản tăng lên. Giá trị tài sản có rủi ro của hệ thống, đặc biệt là khối ngân hàng nội đã giảm mạnh kể từ 2011. Khối NHTMCP trước đây giá trị tài sản có rủi ro luôn chiếm vị trí cao nhất thì nay đã giảm gần bằng với khối NHTM nhà nước.

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) toàn hệ thống đã được cải thiện từ 11,87% cuối năm 2011 tăng lên 13,76% vào quý IV/2013. Trong đó, khối NHTM nhà nước chỉ số CAR từ vị trí thấp nhất 8,49% đã tăng lên 11,31%; trong khi khối NHTMCP có sự giảm nhẹ từ 13,59% xuống còn 12,81%; khối ngân hàng liên doanh nước ngoài dẫn đầu với chỉ số CAR khoảng 30%.

Tốc độ gia tăng nợ xấu của toàn hệ thống đã chậm lại kể từ tháng 6/2012, hiện nay đứng ở mức trên 4%. Ngay từ đầu năm 2012, các NHMT đã đánh giá nghiêm túc tình hình nợ xấu của mình, minh bạch thông tin và có phương án xử lý nợ xấu thông qua chủ động tăng trích lập dự phòng và sử dụng một phần lợi nhuận trong ngắn hạn. Trong bối cảnh hoạt động còn khó khăn, lợi nhuận của toàn hệ thống giảm khoảng 60% so với giai đoạn trước, nhưng ước tính trong 2 năm 2012 và 2013, các NHTM vẫn sử dụng nguồn trích lập dự phòng và lợi nhuận để lại xử lý được khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nỗ lực tạo dựng hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là đã cho đời Công ty Mua bán nợ xấu quốc gia (VAMC) được xem là một giải pháp trọng yếu xử lý dứt điểm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của nhóm chuyên gia thực hiện Báo cáo thường niên Phát triển doanh nghiệp Việt Nam, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đầu tháng 4/2014, sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngân hàng thương mại, nợ xấu toàn hệ thống tín dụng vẫn là vấn đề nan giải thách thức quá trình phát triển an toàn, lành mạnh trong dài hạn, bởi tỷ lệ và giá trị nợ xấu còn ở mức cao và có xu hướng tăng trở lại.

Bên cạnh đó, khả năng sinh lời trong hoạt động của các NHTM còn thấp. Chỉ số ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản) toàn hệ thống tín dụng giai đoạn trước tái cơ cấu (2005-2010) xoay quanh mức 0,9 đến 1%; nhưng hiện chỉ số này chỉ ở mức 0,2%. Tương tự, chỉ số ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) cũng giảm từ năm 2011 đến nay và so với các nước châu Á thì chỉ số ROE của Việt Nam còn ở mức thấp (tính đến cuối tháng 9/2013, ROE của hệ thống tín dụng Việt Nam chỉ ở mức xấp xỉ 3,86%).

Các chuyên gia cho rằng, trọng tâm tái cơ cấu hệ thống các NHTM trong thời gian tới cần xử lý dứt điểm và kiểm soát chặt chẽ không để nợ xấu tăng trở lại; đồng thời, tập trung củng cố toàn diện các ngân hàng phát triển khá và mạnh./.

 

Kiểm soát chặt nợ xấu và củng cố ngân hàng mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng thương mại.

Lan Ngọc

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/tai-co-cau-ngan-hang-van-de-ngan-han-da-duoc-giai-quyet-208041.html