Làn sóng đầu tư mới của kiều bào

15:36 | 09/02/2016 In bài biết
(VEN) - Đang có một làn sóng đầu tư mới của kiều bào về nước, vấn đề là cần tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện tính công khai, minh bạch của nền kinh tế, xây dựng thêm những cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp kiều bào yên tâm đầu tư, kinh doanh.

Làn sóng đầu tư mới của kiều bào

Khách sạn À La Carte Sầm Sơn (Thanh Hóa) do Tập đoàn FLC đầu tư

Đầu tư của kiều bào sẽ tăng mạnh trong thời gian tới

Theo ông Bùi Đình Dĩnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài: Các dự án đầu tư của kiều bào không chỉ tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương mà còn tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước. Kiều bào lựa chọn đầu tư về Việt Nam không chỉ bởi Việt Nam có môi trường chính trị ổn định, chi phí sản xuất, chi phí nhân công thấp, nguồn nguyên liệu phong phú mà còn vì từ tình cảm gắn bó với quê hương, mong muốn góp phần làm giàu cho đất nước, tạo thêm nhiều việc làm cho cư dân địa phương. Đây cũng là điểm rất đáng quý, đáng trân trọng của các doanh nhân kiều bào.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam nhận định: Hiện đang có một làn sóng đầu tư mới của kiều bào về nước, theo đó, ngoài đưa vốn đầu tư vào các dự án trong nước, một số kiều bào còn tìm kiếm những nguồn hàng trong nước xuất khẩu ra bên ngoài, đồng thời tìm kiếm công nghệ nước ngoài để đưa về Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, làn sóng đầu tư về nước của kiều bào sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Làn sóng này được tác động bởi 2 yếu tố, một là số lượng kiều bào ở nước ngoài đang ngày càng gia tăng, họ làm ăn tốt và muốn đầu tư về nước để xây dựng quê hương, hai là thời gian gần đây Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho kiều bào đầu tư về nước, điển hình là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi.... Trong đó, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã có những chính sách thông thoáng trong thu hút, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bình đẳng cho kiều bào về nước. Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ tháng 1/7/2015 cho phép người nước ngoài, kiều bào được sở hữu nhà tại Việt Nam. Như vậy, thay vì phải nhờ người thân đứng tên mua nhà như trước, giờ đây kiều bào có thể đứng tên mình trên mảnh đất quê hương. Đây là cơ hội để kiều bào yên tâm về nước làm ăn, sinh sống.

Theo Thứ trưởng Vũ Hồng Nam, các chính sách thời gian qua cũng tạo thuận lợi hơn cho kiều bào trong việc đi về Việt Nam. Theo đó, kiều bào có thể được cấp lại quốc tịch, hộ chiếu nếu muốn. Thời hạn về nước cũng đã được quy định gấp đôi so với thời gian trước đây, và có thể tiếp tục gia hạn....

Tính đến nay, các doanh nghiệp kiều bào đã đầu tư tại 52/63 tỉnh, thành của Việt Nam, với 2.000 dự án có tổng vốn đăng ký khoảng 8,6 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy hải sản.... Trong đó, có nhiều dự án đầu tư lớn, tiêu biểu, có tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như Vingroup, Eurowindow Holdings, Melinh Plaza, Furama, Eden Dalat Resort, FLC....

Thêm cơ chế hút vốn kiều bào

Theo Thứ trưởng Vũ Hồng Nam, kiều bào có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Họ có lợi thế là người Việt Nam nhưng sinh sống ở nước ngoài, họ hiểu rõ tiềm năng, lợi thế của đất nước Việt Nam, và hiểu văn hóa, tập quán của đất nước mình đang sinh sống.... Họ chính là cầu nối để doanh nghiệp trong nước tiếp cận được với thị trường và công nghệ hiện đại bên ngoài.

Mặc dù đầu tư của kiều bào về nước đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và dự báo tăng trong thời gian tới, nhưng theo Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, nhiều kiều bào cho biết vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi đầu tư về nước. Trong đó, khó khăn lớn nhất là thủ tục hành chính trong thu hút vốn kiều bào vẫn còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo. Các chính sách thu hút đầu tư thiếu nhất quán, hay thay đổi và không rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, có trường hợp các chính sách thu hút đầu tư từ Trung ương thì rất tốt, rất thông thoáng nhưng khi đến địa phương thực hiện lại gây ra trở ngại..., làm mất niềm tin, nản lòng nhà đầu tư. Ngoài ra nguồn nhân lực còn hạn chế về trình độ, môi trường đầu tư còn thiếu minh bạch... cũng là nguyên nhân thời gian gần đây một số doanh nghiệp kiều bào đã tìm cách mở rộng phạm vi đầu tư sang các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan để tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Đây có thể đánh giá là sự ‘chảy máu’ nguồn lực do không biết tận dụng cơ hội.

Thời gian tới, ngoài nhiệm vụ trọng tâm là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư của kiều bào, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng thêm những cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể để khuyến khích đầu tư, hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào yên tâm đầu tư, kinh doanh. Ngoài ra, cần cải thiện tính công khai, minh bạch của nền kinh tế, tăng cường giám sát trong thực thi pháp luật từ Trung ương đến địa phương, chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Có như vậy, kiều bào mới yên tâm đầu tư, kinh doanh và có những đóng góp quan trọng hơn vào tăng trưởng, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Hiện cs khoảng 4,5 triệu người Việt đang sinh sống, lao động, học tập tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hơn 10 năm qua, lượng kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15%/năm. Riêng năm 2015, kiều hối về Việt Nam đạt trên 12 tỷ USD.Việt Nam hiện xếp thứ 11 trên thế giới về thu hút kiều hối.

Nguyễn Hòa

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/lan-song-dau-tu-moi-cu-a-kie-u-ba-o-206530.html